Khi tham gia vào thương mại quốc tế, các bên chủ thể phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại quốc tế. Vậy những nguyên tắc đó là gì? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên.
I. Cơ sở pháp lý
- Hiệp định thương mại dịch vụ GATT 1994 và GATT 1947
- Hiệp định về một số khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ TRIPs
II. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
Nguyên tắc này được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước dành cho nước đối tác ưu đãi có lợi nhất mà nước đó đang và sẽ dành cho nước thứ ba khác trong tương lai.
Nguyên tắc này bắt đầu ra đời từ thế kỷ XVII, nó được sử dụng như là biện pháp để mở rộng thương mại và sau đó được quy định trong các hiệp định thương mại hàng hải song phương. Nguyên tắc có thể được áp dụng kèm theo điều kiện hoặc vô điều kiện tùy thuộc vào chính sách từng nước.
Theo nguyên tắc này thì bất kỳ ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hoặc miễn trừ nào mà nước thành viên dành cho sản phẩm của nước thành viên khác sẽ phải được dành cho sản phẩm cùng loại của nước thành viên còn lại.
Mục đích là nhằm bảo đảm sản phẩm nhập khẩu cùng loại sẽ được đối xử bình đẳng và không phân biệt tại nước nhập khẩu.
Tuy nhiên nguyên tắc này vẫn có một số ngoại lệ sau đây:
1. Chế độ ưu đãi đặc biệt
Đây là chế độ ưu đãi thuế quan giữa một số nước thành viên trong thời kỳ chế độ thuộc địa trước khi GATT ra đời. Chế độ ưu đãi đặc biệt về thuế quan là các đặc lợi về thuế quan mang tính phân biệt đối xử vì chỉ áp dụng riêng một số nước với nhau hoặc một khu vực nhất định như chế độ ưu đãi của khối thịnh vượng chung, chế độ ưu đãi khối liên hiệp Pháp…
Sau này khi GATT 1947 ra đời với mục tiêu tạo ra sự tự do hóa thương mại, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên GATT 1947 không thể xóa bỏ hoàn toàn và ngay lập tức chế độ này. Do đó chế độ này vẫn tồn tại như một ngoại lệ nhưng phải kèm theo một số điều kiện sau:
– Các ưu đãi đặc biệt chỉ giới hạn trong thuế quan đối với hàng nhập khẩu và không cho phép ưu đãi đặc biệt về thuế xuất khẩu, hạn chế xuất nhập khẩu và các hạng mục khác.
– Ưu đãi này chỉ giới hạn trong một số nước thành viên đã được chấp thuận và không được phép thiết lập các ưu đãi mới sau GATT 1947 ra đời.
– Không cho phép tăng sự chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi đặc biệt đã có khi thành lập GATT 1947 với thuế suất tối huệ quốc.
2. Hội nhập kinh tế khu vực
Theo quy định của GATT 1994 thì nguyên tắc đối xử tối huệ quốc sẽ không áp dụng với khu vực mậu dịch tự do hoặc đồng minh thuế quan.
Đồng minh thuế quan nghĩa là về mặt nguyên tắc các nước thành viên của nó không thiết lập các rào cản thương mại đối với thương mại của nhau, còn đối với thương mại ngoài khu vực thì áp dụng hệ thống thuế quan chung cũng như các quy định chung về thương mại.
Khu mậu dịch tự do nghĩa là về nguyên tắc các nước thành viên của khu vực không thiết lập đối với rào cản thương mại của nhau nhưng mỗi nước thành viên duy trì hệ thống thuế quan và các quy định thương mại của riêng mình đối với thương mại của các nước ngoài khu vực.
Khi GATT 1947 ra đời đã tồn tại đồng minh thuế quan Benelux (gồm 3 nước Bỉ, Hà Lan và Lucxambua). GATT 1947 thừa nhận khu vực mậu dịch tự do và đồng minh thuế quan, nhưng để tránh sự phân biệt đối xử với các nước ngoài khu thì GATT 1947 đã quy định một số điều kiện đối với việc thành lập khu vực mậu dịch tự do hay đồng minh thuế quan như sau:
– Thuế quan và các rào cản thương mại khác về mặt thực chất giữa các nước trong khu vực phải được dỡ bỏ hoàn toàn.
– Thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với các nước ngoài khu vực không được phép tăng hơn trước khi thành lập đồng minh thuế quan hay khu vực mậu dịch tự do.
– Đồng minh thuế quan và khu mậu dịch tự do phải được thành lập theo lịch trình hợp lý trong một khoảng thời gian hợp lý.
3. Các biện pháp đặc biệt đối với các nước đang phát triển
Biện pháp hỗ trợ đặc biệt được GATT 1947 cho phép các nước đang phát triển áp dụng là hỗ trợ chính phủ đối với phát triển kinh tế. Biện pháp này cho phép các nước thành viên đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, sẽ được phép tiến hành những hạn chế nhập khẩu cần thiết phục vụ cho phát triển kinh tế với một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên sau những năm 60 của thế kỷ XX, các nước đang phát triển đấu tranh yêu cầu những ưu đãi lớn hơn do sự chênh lệch lớn về trình độ kinh tế giữa các nước phát triển và nước đang phát triển. Từ đó Chế độ ưu đãi phổ cập đã được chấp nhận đưa ra áp dụng. Chế độ này thực chất là việc các nước phát triển đơn phương tự nguyện dành cho các sản phẩm của nước đang phát triển hưởng thuế xuất nhập khẩu thấp hơn với sản phẩm cùng loại của nước phát triển.
4. Các ngoại lệ khác
Các trường hợp được phép không áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc mà không cần xin phép hoặc thông qua các thủ tục đặc biệt.
– Biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức, trật tự công cộng, bảo vệ sinh mạng và cuộc sống của con người, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên
– Các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc giá
III. Nguyên tắc đối xử quốc gia
Nguyên tắc đối xử quốc gia được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình.
Theo khoản 1 điều 3 GATT 1994 thì đối tượng được áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia bao gồm:
1. Thuế và lệ phí trong nước
Các nước thành viên không được phép đánh thuế và các lệ phí với sản phẩm nhập khẩu cao hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại. Mặt khác các nước thành viên cũng không được phép áp dụng thuế và lệ phí trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm nội địa theo phương pháp nào đó nhằm bảo hộ cho sản phẩm trong nước (khoản 2 điều 3)
2. Quy chế mua bán
Pháp luật, quy định và các yêu cầu khác ảnh hưởng đến mua bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nước không được phép đối xử với sản phẩm nhập khẩu kém ưu đãi hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại. Trong đó ‘ảnh hưởng’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các điều kiện cạnh tranh giữa sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa cùng loại (khoản 4 điều 3).
3. Quy chế số lượng
Các nước thành viên không được phép đặt ra hoặc duy trì quy chế trong nước về số lượng liên quan đến sự pha trộn, chế biến hoặc sử dụng các sản phẩm theo một số lượng hoặc tỉ lệ nhất định, trong đó yêu cầu rằng số lượng hoặc tỷ lệ pha trộn của sản phẩm là đối tượng của quy chế này phải được cung cấp từ nguồn trong nước, hay áp dụng quy chế số lượng này theo cách thức nhằm bảo vệ sản xuất trong nước (khoản 5 điều 3)
IV. Nguyên tắc mở cửa thị trường
Mở cửa thị trường là nghĩa vụ có tính ràng buộc đối với các nước thành viên, theo đó các nước thành viên cam kết và thực hiện lộ trình mở cửa thị trường cho hàng hóa (trong thời kỳ GATT), dịch vụ và đầu tư nước ngoài (thời kỳ WTO).
Các nước muốn tham gia WTO thì việc đưa ra cam kết về lộ trình mở cửa thị trường được coi là điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO.
Mở cửa thị trường được thực hiện thông qua các cam kết về:
– Cấm áp dụng các biện pháp hạn chế về số lượng
– Giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan
– Xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan
IV. Nguyên tắc thương mại công bằng
Thương mại công bằng được hiểu là thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau.
Để bảo đảm các điều kiện cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế, GATT 1947 đã tăng cường các quy định liên quan đến các dụng các biện pháp phi thuế quan bằng các đạo luật quy định tại Phụ lục 1A: các hiệp định đa phương về thương mại hàng hóa của hiệp ước Marrakesh thành lập WTO ra đời năm 1995. Phụ lục này bao gồm các hiệp định sau:
1.Hiệp định về chống bán phá giá và thuế đối kháng
2.Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng
3.Hiệp định về các biện pháp tự vệ
4.Hiệp định về định giá hải quan
5.Hiệp định kiểm tra sản phẩm trước khi xuống tàu
6.Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại
7.Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ
8.Hiệp định về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu
V. Nguyên tắc minh bạch
Nguyên tắc này yêu cầu các nước phải công bố sớm các biện pháp có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế, có nghĩa vụ thông báo nhanh chóng về luật lệ mới thông qua hoặc sửa đổi, các quyết định tư pháp, quyết định hành chính, chỉ đạo hành chính có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO, có nghĩa vụ nhanh chóng cung cấp thông tin về các biện pháp nêu trên khi được các nước thành viên khác yêu cầu.
Các nước thành viên phải minh bạch về các thủ tục liên quan đến thương mại hàng hóa như: thủ tục, kết quả điều tra về bán phá giá, trợ cấp chính phủ, biện pháp tự vệ, thủ tục về cấp giấy phép nhập khẩu, định giá hải quan,…Ngoài ra các nước phải lập ra ủy ban chuyên môn có nhiệm vụ theo dõi thực thi các hiệp định này.
Trên đây là những giải đáp về những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 07/12/2023