Hiện nay những sản phẩm trí tuệ ra đời ngày càng nhiều, không chỉ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn mà còn là một sự khẳng định khả năng không giới hạn của con người trong hành trình chinh phục những đỉnh cao của trí tuệ và sáng tạo đó, trong đó có quyền tác giả. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về các trường hợp giới hạn quyền tác giả trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022.
1. KHÁI NIỆM GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ
- Giới hạn quyền tác giả là những hạn chế về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay còn được hiểu như là các ngoại lệ của quyền tác giả.
- Giới hạn quyền tác giả là quy định liên quan đến việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bảng ghi âm, ghi hình, chương trình sóng các trường hợp đặc biệt, cụ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu chính đáng phục vụ công tác thông tin, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, chính sách xã hội.
2. CÁC TRƯỜNG HỢP GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ
– Thứ nhất, giới hạn quyền tác giả về không gian
- Quyền tác giả chỉ được bảo hộ trong phạm vi một quốc gia.
- Tác phẩm sáng tạo chỉ được hưởng sự bảo hộ quyền tác giả nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp lý được quy định bởi pháp luật về quyền tác giả của một quốc gia nhất định.
- Mỗi quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền tác giả riêng biệt. Tuy nhiên, quyền này không đương nhiên có giá trị tại quốc gia khác, trừ khi các quốc gia cùng tham gia một Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền đó.
- Khi đó, phạm vi không gian mà quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ đó được bảo hộ sẽ được mở rộng ra tất cả các quốc gia thành viên, Điều ước quốc tế quan trọng nhất về bảo hộ quyền tác giả là Công ước Berne.
– Thứ hai, giới hạn quyền tác giả về thời gian
- Quyền tác giả chỉ có thời hạn nhất định chứ không phải là vĩnh viễn.
- Với mỗi tác phẩm khác nhau sẽ có những quy định thời hạn khác nhau. Quyền tác giả chỉ có hiệu lực trong thời gian bảo hộ, sau khi hết thời hạn thì tác phẩm thuộc về công và được sử dụng tự do nhưng cần được tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như tên tác giả.
- Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian mà Nhà nước bằng quy định của pháp luật và đảm bảo bằng một hệ thống thực thi quyền cho phép các tác giả được hưởng các độc quyền đối với tác phẩm của mình.
– Thứ ba, giới hạn quyền tác giả trong trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút thù lao
- Công ước Berne khẳng định trong những trường hợp nhất định quốc gia thành viên có quyền quy định việc sao chép, trích dẫn, in lại, phát sóng lại … với mức độ phù hợp với 4 thông lệ, không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại bất hợp lý cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền.
- Điều 25 Luật SHTT quy định những trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đặc biệt, cần lưu ý việc sao chép tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép để lưu trữ trong thư viện.
- Ngoài ra, còn có việc trích dẫn tác phẩm, việc trích dẫn ngoài việc không làm sai ý của tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả và phù hợp với đặc điểm của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn thì việc trích dẫn đó phải không nhằm mục đích thương mại.
– Thứ tư, giới hạn quyền tác giả trong trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao
- Các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền được quy định trong các điều ước quốc tế.
- Vấn đề này được quy định tại Điều 26 Luật SHTT của Việt Nam, trong đó quy định trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng. Việc sử dụng các tác phẩm phải theo quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến việc gây phương hại đến quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
- Việc sử dụng tác phẩm trong trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.
Trên đây là những nội dung cần thiết về vấn đề các trường hợp giới hạn quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 13/10/2023