THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân các cấp là một trong những chế định quan trọng góp phần xác định Tòa án nào có quyền thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự, tránh được sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này? Trong bài viết hôm nay, CÔNG TY LUẬT WINLEGAL xin được gửi đến quý độc giả những thông tin về vấn đề này như sau:

Khái niệm về thẩm quyền của Tòa án

Trong khoa học pháp lý, thẩm quyền được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy Nhà nước do pháp luật quy định.

Vậy, thẩm quyền của Tòa án “là toàn bộ những quyền do pháp luật quy định, theo đó Tòa án được tiến hành xem xét, giải quyết những vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật”.

Thẩm quyền của Tòa án được tiếp cận dưới bốn góc độ là: thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo sự lựa chọn của các bên. Cụ thể như sau:

  1. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Các quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã kế thừa và phát huy được theo các Bộ luật trước đây.

    1.1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Thứ nhất, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Thứ hai, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Thứ ba, đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Thứ tư, trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

      1.2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Thứ nhất: Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

Thứ hai: Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

Thứ ba: Tòa án nơi người yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Thứ tư: Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

Thứ năm: Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài;

Thứ sáu: Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

Thứ bảy: Tòa án nơi người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

Thứ tám: Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;

Thứ chín: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

Thứ mười: Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Mười một: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;

Mười hai: Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;

Mười ba: Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;

Mười bốn: Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;

Mười năm: Tòa án nơi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự;

Mười sáu: Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại;

Mười bảy: Tòa án nơi có tài sản có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận tài sản đó có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam;

Mười tám: Tòa án nơi người mang thai hộ cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ;

Mười chín: Tòa án nơi cư trú, làm việc của một trong những người có tài sản chung có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án;

Hai mươi: Tòa án nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án;

Hai mốt: Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

Hai hai: Tòa án nơi có trụ sở của doanh nghiệp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên;

Hai ba: Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;

Hai tư: Tòa án nơi xảy ra cuộc đình công có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

Hai năm: Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 421 của Bộ luật TTDS.

  1. Thẩm quyền của Tòa án theo loại việc

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Thẩm quyền về loại việc của Tòa án sẽ phân định với những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác.

     2.1. Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc dân sự

Tòa án dân sự có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp, yêu cầu theo quy định tại Điều 26, 27 BLTTDS năm 2015 như sau:

  • Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
  • Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
  • Tranh chấp về thừa kế tài sản.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
  • Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
  • Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
  • Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
  • Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
  • Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  • Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  • Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  • Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
  • Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
  • Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
  • Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
  • Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
  • Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 của Bộ luật này.
  • Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
  • Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

      2.2. Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc hôn nhân và gia đình

Theo quy định tại Điều 28, 29 BLTTDS năm 2015, Tòa án hôn nhân và gia đình có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp, yêu cầu sau:

  • Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
  • Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
  • Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
  • Tranh chấp về cấp dưỡng.
  • Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
  • Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
  • Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
  • Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
  • Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
  • Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
  • Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
  • Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

     2.3. Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc kinh doanh, thương mại

Những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyét của Tòa án quy định tại Điều 30, 31 BLTTDS năm 2015 là:

  • Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
  • Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
  • Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
  • Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
  • Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

      2.4. Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc lao động

Theo Điều 32, 33 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết những vụ việc lao động sau:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định.
  • Tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;  Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;  Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;  Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
  • Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: Tranh chấp về học nghề, tập nghề; Tranh chấp về cho thuê lại lao động; Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
  • Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
  • Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài.
  • Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo cấp

Việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo cấp chính là việc xác định xem đối với một vụ án dân sự cụ thể Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp được quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 dựa trên tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.

Theo đó, thẩm quyền của Tòa án cấp huyện hiện nay được quy định: (i) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này; (ii) Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật này; (iii) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật này; (iiii) Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy tác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 35 “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, …”, trường hợp này xuất hiện yếu tố đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

Theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Có thể nhận thấy thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh được phân định rõ ràng, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm.

  1. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

Thẩm quyền này được quy định cụ thể tại Điều 40 BLTTDS năm 2015.

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau:

  • Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
  • Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết
  • Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
  • Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

            Người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình trong các trường hợp sau đây:

  • Đối với các yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết;
  • Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết;
  • Đối với yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi người con cư trú giải quyết.

Việc gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố rất quan trọng để xem xét việc thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, nếu gửi đơn khởi kiện đến sai Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp hay theo lãnh thổ thì sẽ phải chuyển đơn khởi kiện sang đúng Tòa án có thẩm quyền. Do đó, để tránh mất thời gian, công sức người khởi kiện phải hết sức chú ý đến vấn đề này để đảm bảo đơn khởi kiện của mình có thể được thụ lý nhanh chóng.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, theo loại việc, theo cấp và theo sự lựa chọn của các bên.

Mọi thông tin tư vấn hỗ trợ về dịch vụ vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Tú Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *