BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ THEO HIỆP ĐỊNH TRIPS

Hiệp định TRIPS – Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ chính thức được ký kết vào ngày 15/04/1994 và có hiệu lực ngày 01/01/1995. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về bảo hộ quyền tác giả theo Hiệp định TRIPS trong bài viết dưới đây nhé.

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

2. BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ THEO HIỆP ĐỊNH TRIPS

2.1. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO HỘ

Đối tượng được bảo hộ bao gồm các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học (chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu). Tuy nhiên, không phải bất kỳ tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật nào cũng được bảo hộ. Để được bảo hộ, tác phẩm phải là nguyên tác, tức là ý tưởng trong tác phẩm không nhất thiết phải là mới nhưng loại hình biểu hiện phải là nguyên bản sáng tạo của tác giả.

2.2. NỘI DUNG BẢO HỘ

Các quyền được Hiệp định bảo hộ bao gồm: Quyền sao chép, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phóng tác, quyền biểu diễn công cộng, quyền kể lại trước công chúng, quyền phát sóng, quyền truyền thông tới công chúng, quyền bán lại tác phẩm nghệ thuật gốc. Các quyền này là quyền kinh tế của tác giả, do tác giả trực tiếp thực hiện hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân khác thực hiện. 

2.3. THỜI HẠN BẢO HỘ

  • Trừ tác phẩm nhiếp ảnh và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm không được tính theo đời người, Hiệp định TRIPS quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu đối với QTG. 
  • Thời hạn bảo hộ đó không được dưới 50 năm kể từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được công bố một cách hợp pháp hoặc 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm này không được công bố một cách hợp pháp trong vòng 30 năm kể từ ngày tạo ra tác phẩm.
  • Hiệp định TRIPS đã tác động rất lớn đến pháp luật sở hữu trí tuệ các nước, đã mang lại những thay đổi căn bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và được coi là những tiêu chuẩn thế giới mới trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

2.4. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

– Thứ nhất, nguyên tắc đối xử quốc gia

  • Nguyên tắc đối xử quốc gia trong Hiệp định TRIPS được bộ phận giải quyết tranh chấp của WTO xem xét và giải thích kỹ lưỡng. Theo đó, không còn tồn tại sự bảo hộ mà một nước thành viên dành cho công dân của các nước thành viên khác không giống với sự bảo hộ dành cho công dân của mình; Hiệp định TRIPS đòi hỏi mỗi nước thành viên WTO dành sự bảo hộ cho công dân các nước thành viên khác “không kém thiện chí hơn” sự bảo hộ dành cho công dân của mình.
  • Nói cách khác, bất kể mức độ bảo hộ một nước thành viên dành cho công dân của mình, nước này buộc phải áp dụng tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu do Hiệp định TRIPS thiết lập cho công dân của các nước thành viên khác.
  • Nếu mức độ bảo hộ của nước thành viên đó thấp hơn hoặc ngang bằng với mức độ bảo hộ do Hiệp định TRIPS thiết lập thì nước thành viên đó có thể giới hạn mức độ bảo hộ cho công dân của các nước thành viên theo tiêu chuẩn bảo hộ của Hiệp định TRIPS. 
  • Nếu mức độ bảo hộ của nước thành viên đó cao hơn mức độ bảo hộ do Hiệp định TRIPS thiết lập thì nước thành viên đó phải dành mức độ bảo hộ cao tương tự cho công dân của các nước thành viên khác.

– Thứ hai, nguyên tắc đối xử tối huệ quốc

  • Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc được quy định tại Điều 4 Hiệp định TRIPS. Nguyên tắc này không được đề cập trong những Công ước về sở hữu trí tuệ được thiết lập trước Hiệp định TRIPS nhưng được quy định trong các thoả thuận khác của WTO. 
  • Trong khi nguyên tắc đối xử quốc gia cấm một nước thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của mình và công dân của các nước thành viên khác thì nguyên tắc đối xử tối huệ quốc cấm một nước thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của hai nước thành viên khác. 
  • Đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Điều 4 Hiệp định TRIPS đòi hòi các nước thành viên của WTO dành sự bảo hộ “lập tức và vô điều kiện” “ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ” cho “công dân của bất kỳ nước nào khác” bao gồm cả công dân của nước không phải là thành viên của WTO như sự bảo hộ dành cho công dân của mình.

– Thứ ba, nguyên tắc minh bạch

  • Trong Hiệp định TRIPS, nguyên tắc này được quy định tại Điều 63. Điều 63 yêu cầu các nước thành viên của WTO công bố các nguyên tắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các nguyên tắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các luật, quy định, quyết định xét xử cuối cùng, quyết định hành chính, thoả ước giữa Chính phủ của nước thành viên hoặc cơ quan Chính phủ với Chính phủ hoặc cơ quan Chính phủ của nước thành viên khác. 
  • Nghĩa vụ công bố này được thực hiện thông qua ba phương thức là công bố chính thức, thông báo cho Hội đồng TRIPS, yêu cầu nước thành viên khác cung cấp thông tin và cho phép tiếp cận thông tin. 
  • Mục đích của nguyên tắc minh bạch là “giúp cho chính phủ và các chủ thể khác được thông báo về khả năng thay đổi của pháp luật sở hữu trí tuệ của nước thành viên nhằm góp phần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định và có thể dự báo được.

Trên đây là nội dung về bảo hộ quyền tác giả theo Hiệp định TRIPS, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 06/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *