HIỆP ĐỊNH KHUNG ASEAN VỀ DỊCH VỤ

Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) được ký kết vào ngày 15/12/1995 trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5 tại Bangkok, Thái Lan. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về AFAS trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) năm 1995.

1. KHÁI NIỆM

  • Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Framework Agreement on Services – AFAS) là một trong những hiệp định cơ bản của AEC, được ký kết ngày 15/12/1995 tại Bangkok, Thái Lan.
  • AFAS đặt ra các nguyên tắc về thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN với các nội dung tương tự Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ của WTO. AFAS nhằm xóa bỏ những rào cản dịch vụ giữa các quốc gia ASEAN, mở rộng phạm vi và mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ so với các quy định của GATS (Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ). Từ đó, tăng cường mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực.
  • Trong khuôn khổ của AFAS, các nước ASEAN đã ký 10 gói cam kết về thương mại dịch vụ gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: Xây dựng; môi trường; dịch vụ kinh doanh; dịch vụ chuyên nghiệp; phân phối hàng hóa; giáo dục; vận tải biển; viễn thông và du lịch và 7 thỏa thuận công nhận lẫn nhau; 6 cam kết về dịch vụ tài chính và 8 gói cam kết về dịch vụ hàng không. Các cam kết trong AFAS đều có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa sâu hơn so với cam kết trong khuôn khổ WTO. Trong đó, gói cam kết thứ 10 chưa có hiệu lực đối với Việt Nam.

2. MỤC TIÊU

  • Hiệp định AFAS áp dụng đối với thể nhân và pháp nhân của các quốc gia thành viên ASEAN.
  • Mục tiêu tự do hóa trong khuôn khổ AFAS đã được nêu trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint). AEC đặt ra các yêu cầu tự do hóa đối với cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ là: (1) Cung cấp dịch vụ qua biên giới; (2) Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; (3) Hiện diện thương mại; (4) Hiện diện thể nhân.
  • Các gói cam kết trong khuôn khổ Hiệp định AFAS chỉ đề cập đến 3 phương thức 1,2,3 còn phương thức 4 được tách ra đàm phán riêng trong Hiệp định về di chuyển thể nhân ASEAN (MNP) năm 2012. Với phương thức 1 và 2: Không có hạn chế nào, ngoại trừ các trường hợp có lý do hợp lý như bảo vệ cộng đồng và phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên ASEAN trong từng trường hợp cụ thể. Với phương thức 3: Cho phép tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thuộc khu vực ASEAN tại doanh nghiệp lên tới 70% vào năm 2015 với tất cả các lĩnh vực và từng bước loại bỏ các rào cản khác.

3. NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI ĐÀM PHÁN

  • Nguyên tắc đàm phán được thực hiện theo hình thức chọn – cho giống WTO – tất cả các ngành, lĩnh vực có cam kết mở cửa thì sẽ được đưa vào trong các gói cam kết còn trường hợp không đưa vào là không có cam kết.
  • Phạm vi đàm phán: Các gói cam kết về mở cửa dịch vụ không bao gồm phương thức cung cấp dịch vụ 4 (Hiện diện thể nhân) mà chỉ gồm 3 phương thức cung cấp dịch vụ 1,2,3. Các gói cam kết trong AFAS nhìn chung có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết trong WTO của mỗi nước thành viên. Các gói cam kết sau có mức độ cam kết cao hơn các gói cam kết trước nhằm tiến đến thực hiện các mục tiêu về tự do hóa dịch vụ trong AEC.
  • Với mỗi gói cam kết, để thực hiện các nước ASEAN sẽ cùng ký vào một Nghị định thư thực thi Gói cam kết đó. Hiệu lực của Gói cam kết sẽ phụ thuộc vào quy định trong Nghị định thư.

4. VAI TRÒ

Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) là một trong những Hiệp định cơ bản, quan trọng với việc cam kết nhiều nội dung trong lĩnh vực dịch vụ gắn liền với mục đích thành lập của cộng đồng Asean như:

  • Tự do hóa thương mại dịch vụ bằng cách mở rộng chiều sâu và phạm vi tự do hóa vượt hơn các cam kết tại GATS với mục đích thực hiện một khu vực thương mại tự do về dịch vụ.
  • Xóa bỏ đáng kể các hạn chế đối với thương mại dịch vụ giữa các thành viên.
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, nâng cao tính hiệu quả và cạnh tranh, đa dạng hóa năng lực sản xuất, cung cấp và phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ.

Trên đây là nội dung về Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 06/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *