Quy định về xem xét dấu vết trên thân thể

Những dấu vết trên thân thể có thể là những dấu vết quan trọng trong quá trình điều tra vụ án. Do do đó khi thấy cần thiết, điều tra viên có thể yêu cầu xem xét dấu vết trên thân thể. Tuy nhiên việc xem xét dấu vết trên thân thể phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết dưới đây, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2.Xem xét dấu vết trên thân thể là gì?

         Xem xét dấu vết trên thân thể là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được tiến hành bởi Điều tra viên nhằm tạm thời hạn chế quyền tự do thân thể người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc tìm ra sự thật của vụ án nhằm phục vụ công tác điều tra.

3.Quy định về xem xét dấu vết trên thân thể

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì: 

 – Khi cần thiết, Điều tra viên tiến hành xem xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định.

– Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia.

 – Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể.

 – Khi xem xét dấu vết trên thân thể phải lập biên bản mô tả dấu vết để lại trên thân thể; trường hợp cần thiết phải chụp ảnh, trưng cầu giám định. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

       Có thể thấy, pháp luật luôn tôn trọng đến sức khỏe nhân phẩm, danh dự của các cá nhân. Do đó dù cá nhân dù ở cương vị nào người tạm giữ, bị can, bị hại, làm chứng đều được tôn trọng như nhau.

4.Thủ tục lập biên bản xem xét dấu vết trên thân thể

     Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể:

– Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

– Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.

– Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.

– Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.

– Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

       Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể là văn bản ghi lại toàn bộ quá trình cơ quan điều tra tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể của đương sự trong vụ án hình sự. Tại nơi lập biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

Trên đây là những giải đáp về xem xét dấu vết trên cơ thể theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *