Một số hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự và sự thay đổi

Một số hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự và sự thay đổi

Những hạn chế trong tố tụng hình sự được sửa đổi và cập nhật lại để phù hợp hơn với người sử dụng. Hãy cùng đi sâu vào bài viết dưới đây để biết rõ hơn khi luật được sửa đổi nhé.

Các bất cập, hạn chế trong Tố tụng hình sự

Về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn chưa đầy đủ, do đó chưa bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho các chủ thể này trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cụ thể:

  • Các điểm a khoản 2 Điều 36, điểm b khoản 2 Điều 39, điểm b khoản 3 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 40Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng, cấp phó các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong khi Điều 149[5] của Bộ luật lại có quy định về thẩm quyền này.
  • Theo khoản 1 Điều 457và Điều 458 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Trong khi nhiệm vụ, quyền hạn này được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể cho Viện trưởng Viện kiểm sát tại điểm l khoản 2 Điều 41 và Chánh án Tòa án tại điểm c khoản 2 Điều 44 thì khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Tố tụng hình sự lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

  • Đối với biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Việc quy định về người chứng kiến khi tiến hành giữ người trên tàu bày, tàu biển (trường hợp tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng) chưa hợp lý, bởi lẽ theo quy định hiện hành thì người chứng kiến trong trường hợp này là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành giữ người.
  • Đối với biện pháp bắt người đang bị truy nã: Các khoản 2, 3 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định về các thủ tục đối với Cơ quan điều tra nhận người bị bắt mà không quy định các thủ tục đối với Cơ quan điều tra trực tiếp bắt người đang bị truy nã.
  • Đối với biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
  • Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định trực tiếp về căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, do đó không tạo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp này.(Xem thêm: Tố tụng hình sự là gì? )
  • Theo điểm a khoản 1 Điều 113Bộ luật Tố tụng hình sự thì lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Tuy nhiên, Bộ luật lại không quy định thời hạn Viện kiểm sát xem xét phê chuẩn là bao lâu. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không hướng dẫn về vấn đề này.
  • Đối với biện pháp tạm giữ: Các biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đều “cách ly” người bị áp dụng với xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, cần thiết phải thông báo về việc áp dụng các biện pháp đó cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định sau khi áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giam thì người ra quyết định áp dụng đều phải thông báo ngay cho gia đình, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết. Tuy nhiên, sau khi ra quyết định tạm giữ, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định việc thông báo này.
  • Đối với biện pháp dẫn giải: Theo điểm a khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự, dẫn giải có thể áp dụng đối với: “Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Tuy nhiên, theo điểm a khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự, người làm chứng có nghĩa vụ: “Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải”. Như vậy, có thể thấy, sự thiếu thống nhất trong quy định về trường hợp (căn cứ) áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người làm chứng.

Về khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố

  • Đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung trách nhiệm của việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật. Tuy nhiên, việc chỉ quy định trách nhiệm của “người nào”, tức là của cá nhân như trên là chưa đầy đủ.

Về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên cơ sở quy định trên của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Với quy định này, cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có phạm vi rất rộng, bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. Như vậy, cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận không chỉ tố giác về tội phạm của cá nhân mà còn cả tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức khác. Có thể thấy quy định này chưa hợp lý; bởi lẽ, các cơ quan, tổ chức đều có quyền và nghĩa vụ báo tin về tội phạm như nhau. Hơn nữa, nếu theo quy định này sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy việc báo tin giữa các cơ quan, tổ chức cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

  • Đối với việc thực hiện các biện pháp điều tra:
  • Đối với biện pháp hỏi cung bị can:Bị can có thể được tại ngoại hoặc bị quản lý tại các cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự mới chỉ quy định về việc triệu tập bị can đang tại ngoại. Vậy đối với bị can đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ thì việc triệu tập ra sao? Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định vấn đề này.
  • Đối với biện pháp lấy lời khai của người làm chứng:

Theo điểm a khoản 3 Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận…”. Có thể thấy, quy định này còn mang tính chung chung và chưa đầy đủ, chẳng hạn như sau khi người làm chứng ký nhận thì việc chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của người làm chứng được thực hiện như thế nào? Nếu người làm chứng không ký nhận thì xử lý ra sao? Hay nếu người làm chứng vắng mặt thì giao giấy triệu tâp cho ai…

Khoản 3 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự”. Tuy nhiên, đối với lấy lời khai người làm chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về vấn đề này.

  • Đối với biện pháp khám xét:Theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự thì lệnh khám xét của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thực tiễn sẽ xảy ra những trường hợp Viện kiểm sát phê chuẩn chậm trễ lệnh khám xét của Cơ quan điều tra dẫn đến việc đối tượng đã kịp thời tẩu tán công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án, nhưng lại rất khó quy trách nhiệm cho Viện kiểm sát vì Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định cụ thể thời gian phê chuẩn lệnh khám xét là bao lâu.(Xem thêm: Thay đổi, từ chối người bào chữa chỉ định theo Bộ luật tố tụng hình sự )
  • Về thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Đối với thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp này, khoản 1 Điều 225Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền yêu cầu. Trong khi đối với Cơ quan điều tra, Bộ luật quy định Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu để quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Một số hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự và sự thay đổi

Một số hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự và sự thay đổi

Những hạn chế trong tố tụng hình sự khi được sửa đổi

Sửa đổi, bổ sung quy định về các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng, cấp phó các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể:

  • Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vào các điểm a khoản 2 Điều 36; điểm b khoản 2 Điều 39; điểm b khoản 3 Điều 39; điểm b khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng hình sự;(Xem thêm: Quy trình, cách lấy lời khai đối tượng hình sự )
  • Để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự với quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra tại các Điều 457 và 458 của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như thống nhất với cách quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát và Chánh án Tòa án như đã nêu ở trên, cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về những biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

  • Đối với biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp:Cần quy định người chứng kiến khi tiến hành giữ người trên tàu bày, tàu biển (trường hợp tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng) là hành khách trên tàu bay, tàu biển đó. Cụ thể khoản 3 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự cần được sửa lại như sau: “Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật này. Đối với trường hợp giữ người trên tàu bay, tàu biển phải có hành khách trên tàu bay, tàu biển đó chứng kiến”.(Xem thêm: Quy trình khởi tố vụ án hình sự diễn ra như thế nào? )
  • Đối với bắt người đang bị truy nã:Thay thế cụm từ “Cơ quan điều tra nhận người bị bắt” trong các khoản 2, 3 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự bằng cụm từ “Cơ quan điều tra bắt hoặc nhận người bị bắt”.
  • Đối với biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam:Bổ sung quy định rõ thời hạn Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (có thể là 12h kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn của Cơ quan điều tra).
  • Đối với biện pháp tạm giữ:Trên cơ sở Điều 116 Bộ luật TTHS hiện hành quy định về thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, cần bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự, với nội dung cụ thể như sau:

“5. Sau khi tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giữ, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị tạm giữ là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị tạm giữ.(Xem thêm: Người có tư cách tham gia tố tụng hình sự gồm những ai? )

Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay”.

  • Đối với biện pháp dẫn giải:Để đảm bảo tính thống nhất, điểm a khoản 2 Điều 127 Bộ luật TTHS hiện hành cần phải được sửa lại như sau:

“Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Để chặt chẽ hơn cần bổ sung cả trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

“Cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.

Về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cần quy định rõ theo hướng: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; cơ quan báo chí có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; các cơ quan, tổ chức khác chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của cá nhân.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hiện các biện pháp điều tra.

 Đối với biện pháp hỏi cung bị can: Hiện nay, Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định về việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam để phục vụ cho hoạt động điều tra nói chung và hỏi cung bị can nói riêng. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ, cần bổ sung trong Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự nội dung:

“Việc triệu tập bị can đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ”.

 Đối với biện pháp lấy lời khai của người làm chứng: Sửa đổi điểm a, khoản 3 Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng giống với việc triệu tập bị can, cụ thể như sau:

“3. Việc giao giấy triệu tập được thực hiện như sau:

a) Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Việc giao nhận giấy triệu tập được tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều 182 của Bộ luật này. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ”.

Để đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật TTHS cũng như giữa pháp luật TTHS với pháp luật hình sự, cần bổ sung khoản 6 vào Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự với nội dung như sau:

“6. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người làm chứng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

Đối với biện pháp khám xét: Hiện nay, thời hạn xét phê chuẩn của Viện kiểm sát đối với một số trường hợp như xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, xét phê chuẩn gia hạn tạm giữ… đều là 12h kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn, do dó cần quy định thời hạn để Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh khám xét của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cũng là 12h kể từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh khám xét.

Đối với biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

Đối với thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp này, cần bổ sung quy định quyền yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao cho phù hợp với thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng của cơ quan điều tra cấp Trung ương. Cụ thể, khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt…”.

Mọi thông tin tư vấn hỗ trợ về dịch vụ vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1 đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222

Email:  admin@winlegal.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *