TÌM HIỂU VỀ DẤU VẾT HÌNH SỰ

Dấu vết hình sự là một khái niệm lạ lẫm đối với nhiều người. Vậy dấu vết hình sự là gì và nó có vai trò, ý nghĩa nào trong công tác điều tra? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1.Dấu vết hình sự là gì?

       Dấu vết hình sự là những phản ánh vật chất của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự.

     Dấu vết hình sự tồn tại dưới các hình thức khác nhau về chất và lượng. Chúng có thể là chất rắn, chất lỏng, chất khí, mùi vị, âm thanh, ánh sáng, từ trường, điện trường. Dấu vết hình sự được hình thành do sự tác động qua lại giữa thủ phạm, công cụ, phương tiện phạm tội với nạn nhân, với những đối tượng xâm hại khác và với môi trường xung quanh trong quá trình thực hiện tội phạm.

     Dấu vết hình sự hình thành trong vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. Vụ việc mang tính hình sự là những vụ việc xâm hại đến khách thể do luật hình sự bảo vệ nhưng do chưa đủ thông tin nên chưa xác định được các yếu tố cấu thành tội phạm.

2.Tính chất của dấu vết hình sự

– Tính khách quan: Dấu vết hình sự là dạng vật chất cụ thể hình thành do quá trình tác động cơ học, vật lý, hoá học, sinh học trong các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. Do vậy, dấu vết hình sự tồn tại mang tính tất yếu khách quan và phản ánh trung thực đặc điểm của đối tượng sinh ra nó.

– Tính không gian và thời gian: Cũng như mọi hiện tượng vật chất khác, dấu vết hình sự được hình thành trong một không gian, thời gian nhất định. Thời điểm hình thành dấu vết hình sự cũng chính là thời gian diễn ra vụ phạm tội hay vụ việc có tính hình sự. Do đó, dấu vết hình sự cho biết thông tin về địa điểm, thời gian vụ tội phạm hay vụ việc có tính hình sự.

– Tính phản ánh: Phản ánh là thuộc tính cơ bản của vật chất, trong khi đó dấu vết hình sự là một dạng vật chất cụ thể nên dấu vết hình sự cũng mang đặc tính phản ánh, mà nội dung phản ánh lại đa dạng, phong phú về tội phạm hay vụ việc có tính hình sự. Nhờ đặc tính này của dấu vết hình sự, cơ quan điều tra có thể khai thác được các thông tin từ nó phục vụ cho hoạt động điều tra

  1. Phân loại dấu vết hình sự

3.1 Căn cứ vào các lĩnh vực kỹ thuật hình sự

– Dấu vết đường vân (dấu vết vân tay, vân chân);

– Dấu vết cơ học (dấu vết chân, giày, dép, dấu vết công cụ, dấu vết cắn…);

– Dấu vết súng đạn (dấu vết trên súng, trên đầu đạn, vỏ đạn, trên vật cản);

– Dấu vết sinh vật (dấu vết máu, chất bài tiết, dấu vết lông, tóc…);

– Dấu vết hơi;

– Dấu vết hoá hình sự (dấu vết đất, bụi, dấu vết sơn, thủy tinh, độc chất…);

– Chữ viết tay, chữ ký;

– Tài liệu in, hình dấu, chữ đánh máy.

3.2 Căn cứ vào cấu trúc bề mặt của dấu vết và cơ chế hình thành dấu vết

– Dấu vết in: Dấu vết in được hình thành chủ yếu do sự di chuyển vật chất khi có sự tác động qua lại giữa vật gây vết và vật mang vết. Dấu vết in được chia làm hai loại:

+ Dấu vết in lồi: Là dấu vết in được hình thành khi vật gây vết để lại một lớp mỏng vật chất trên bề mặt của vật mang vết nơi chúng tiếp xúc.

Ví dụ: Dấu vết vân tay dính máu, phẩm màu, mồ hôi…

+ Dấu vết in lõm: Là dấu vết in được hình thành khi vật gây vết lấy đi một lớp mỏng vật chất trên bề mặt của vật mang vết nơi chúng tiếp xúc.

Ví dụ: Dấu vết vân tay để lại trên mặt bàn có phủ một lớp bụi mỏng…

– Dấu vết lõm: Dấu vết lõm được hình thành do sự tác động của vật gây vết làm biển dạng và để lại vết lõm trên bề mặt của vật mang vết. Ví dụ: Dấu vết tay trên bơ mỡ, dấu vết chân, giày, dép trên bùn…

– Dấu vết cắt: Dấu vết cắt là một dạng của dấu vết lõm và dấu vết trượt, được hình thành khi lưỡi cắt của vật gây vết tác động ngang qua hoặc có xu hướng ngang qua vật mang vết. Dấu vết là các mặt cắt và nó phản ánh đặc điểm riêng của lưỡi cắt dưới dạng các đường xước nhỏ chạy song song.

– Dấu vết trượt: Dấu vết trượt là một dạng của dấu vết lõm hoặc in, được hình thành khi điểm tỳ hoặc tựa không chắc và một trong hai hay cả hai đối tượng (vật gây vết và vật mang vết) cùng chuyển động. Dấu vết trượt là những đường xước chạy song song.

– Dấu vết khớp: dấu vết khớp là dấu vết được hình thành khi vật gây vết tác động lên vật mang vết làm cho nó bị phân chia thành nhiều phần với những đặc điểm cá biệt tương ứng trên đường phân chia và có thể dựa vào những đặc điểm này khớp chúng lại với nhau tạo thành vật ban đầu. 

3.3 Căn cứ vào trọng lượng và độ lớn của dấu vết

Dựa vào căn cứ này, dấu vết hình sự được chia ra làm hai loại: Vi vết và vĩ vết.

Vi vết là một phần nhỏ trong vĩ vết như sinh vật trong đất, tạp chất trong hoá chất… hoặc là những phần rất nhỏ của vật thể lớn như tơ, sợi, tro, bồ hóng, cặn chất đốt, lông, mảnh kim loại hay là vi vật thể như bụi, vi khuẩn…

3.4 Căn cứ vào tên của vật gây vết để gọi tên dấu vết

Đây là trường hợp căn cứ vào tên của vật gây vết để gọi tên dấu vết cho phù hợp. Ví dụ: Dấu vết do tay gây ra gọi là dấu vết tay; dấu vết do súng, đạn gây ra gọi là dấu vết súng đạn…

4.Ý nghĩa của dấu vết hình sự

 Qua việc nghiên cứu dấu vết hình sự, có thể làm rõ được một số vấn đề cơ bản sau:

– Nội dung, tính chất của vụ việc, quá trình diễn biến của vụ việc đó

– Phương thức, thủ đoạn và công cụ, phương tiện phạm tội; thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc

– Truy nguyên đối tượng để lại dấu vết

– Nhận định về điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp phòng ngừa;

– Những thông tin từ các loại dấu vết được phát hiện, thu lượm còn là cơ sở để dựng lại hiện trường phục vụ cho việc điều tra vụ án sau này.

Trên đây là những giải đáp về dấu vết hình sự theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *