Trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh ngân hàng

Hoạt động bảo lãnh của tổ chức tín dụng luôn đem lại nhiều rủi ro và có thể gây ảnh hưởng lớn đến chính tổ chức tín dụng đó, còn có thể ảnh hưởng lan ra các tổ chức tín dụng khác. Do đó pháp luật đã quy định các trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh để giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tín dụng. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh ngân hàng.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật tổ chức tín dụng 2010
  • Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

II. Thế nào là bảo lãnh ngân hàng?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

III. Các trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh ngân hàng

Theo quy định tại điều 5 Thông tư 11/2022/TT-NHNN thì khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng. 

1. Trường hợp không được bảo lãnh ngân hàng

Những trường hợp không được bảo lãnh được quy định tại Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, gồm:

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không dược cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sau đây: 

+ Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

+ Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

Những cá nhân trên không được cấp tín dụng do họ đều là những người có quyền đưa ra các quyết định quan trọng hay những người có mối liên hệ mật thiết đối với họ (quan hệ nhân thân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng), điều này dẫn đến các giao dịch không được minh bạch, thiếu tính trung thực và có thể gây ra những rủi ro vô cùng quan trọng.

– Quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân. Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) . Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

– Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

– Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

– Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Việc quy định những trường hợp không được cấp tín dụng như trên nhằm mục đích tránh sự lạm quyền của các tổ chức tín dụng để làm lợi cho mình mà gây thất thoát, tổn hại đến nền kinh tế đất nước.

2. Những trường hợp hạn chế bảo lãnh 

Những trường hợp hạn chế bảo lãnh được quy định tại Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây: cổ đông lớn; cổ đông sáng lập; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng; các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát;..

Như vậy, các cá nhân và tổ chức này vẫn sẽ được cấp tín dụng nhưng bị hạn chế hơn so với các cá nhân và tổ chức khác. Cụ thể là họ sẽ không được cấp tín dụng mà không có đảm bảo và cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi. Quy định này nhằm hạn chế việc lạm quyền, thiếu trung thực giúp giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng.

IV. Các câu hỏi khác liên quan đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Câu 1: Ngôn ngữ trong các văn bản giao dịch trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng được quy định thế nào?

Theo quy định tại điều 7 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì 

– Các văn bản sử dụng trong giao dịch bảo lãnh bao gồm thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được lập bằng tiếng Việt. Trừ trường hợp Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với các bên liên quan sử dụng tiếng nước ngoài trong các trường hợp sau:

+ Giao dịch bảo lãnh thuộc các trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Dân sự;
+ Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Danh sách tổ chức tài chính quốc tế được quy định tại quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi tham gia gói thầu quốc tế.
– Lưu ý: Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các văn bản hoặc thông điệp dữ liệu phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực đính kèm bản tiếng nước ngoài.

Câu 2: Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng có bên được áp dụng các loại luật nào?

Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng các bên được áp dụng các luật sau;

– Áp dụng Luật các tổ chức tín dụng,

– Điều ước quốc tế

– Tập quán thương mại quốc tế 

– Các luật có liên quan

Câu 3: giải quyết tranh chấp trong hợp động bảo lãnh ngân hàng ở đâu?

Theo quy định tại điều 8 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì khi xảy ra tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng thì các bên có thể ra Tòa án hoặc trọng tài thương mại.

Câu 4: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có được bảo lãnh bằng ngoại tệ?

Theo quy định tại điều 4 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép bảo lãnh bằng ngoại tệ. Việc bảo lãnh này phải phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Trên đây là những giải đáp về các trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 18/12/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *