CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT BẢO LÃNH NGÂN HÀNG

Trong phạm vi bào viết này, công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp chấm dứt bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý 

  • Luật các tổ chức tín dụng 201
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Thông tư 11/2022/TT/NHNN

II. Thế nào là bảo lãnh ngân hàng?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

Quan hệ bảo lãnh gồm có ba bên: tổ chức tín dụng, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Hoạt động bảo lãnh ngân hàng được tiến hành bởi các chủ thể đặc biệt và chuyên nghiệp – các tổ chức tín dụng.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

III. Các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng

Theo quy định tại điều 28 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì bảo lãnh ngân hàng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt

Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh sẽ chấm dứt khi thuộc một trong hai trường hợp: bên được bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh, hoặc các bên thỏa thuận về việc chấm dứt nghĩa vụ. Nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt thì đương nhiên nghĩa vụ bảo lãnh cũng sẽ chấm dứt. Bởi vì:

+ Mục đích của việc bảo lãnh là để nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền, và nó mang tính dự phòng cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, đồng thời nó cũng ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do sự vi phạm nghĩa vụ của bên nghĩa vụ gây ra. Do đó việc nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt thì việc bảo lãnh cũng chấm dứt vì thời hạn tồn tại bảo lãnh là thời hạn tồn tại nghĩa vụ được bảo lãnh.

+ Biện pháp bảo lãnh phát sinh đồng thời với nghĩa vụ chính, hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng phụ và nó tồn tại song song với hợp đồng chính. Do đó, khi hợp đồng chính đã hết hiệu lực pháp luật, thì hợp đồng bảo lãnh cũng chấm dứt theo.

Thứ hai: Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, các bên có liên quan khác (nếu có)

– Trường hợp việc bảo lãnh được hủy bỏ: Hủy bỏ hợp đồng là việc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết trước đó theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. 

Theo khoản 1 Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng như sau:

“Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”.

Như vậy, khi hợp đồng bảo lãnh bị hủy bỏ thì các bên không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với nhau. Nghĩa là bên bảo lãnh không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình với bên có quyền nữa. 

– Trường hợp việc bảo lãnh được thay thế bằng một nghĩa vụ khác: Các bên có thể thỏa thuận thay thế biện pháp bảo đảm đã xác lập bằng một biện pháp bảo đảm mới. Khi đó biện pháp bảo lãnh sẽ chấm dứt hiệu lực.

– Việc chấm dứt việc bảo lãnh trong hai trường hợp này có sự khác biệt với nhau.

+ Đối với trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh khi việc bảo lãnh được các bên thỏa thuận hủy bỏ thì lúc này quan hệ nghĩa vụ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền trở thành quan hệ nghĩa vụ không có biện pháp bảo đảm.

+ Đối với trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh do các bên thỏa thuận thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác thì quan hệ nghĩa vụ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền vẫn là quan hệ nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm (nhưng bảo đảm bằng biện pháp bảo đảm khác không phải bảo lãnh).

 Thứ ba: Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh 

Bên bảo lãnh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh của mình trong các trường hợp:

+ Bên bảo lãnh đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

+ Cơ quan có thẩm quyền đã cưỡng chế bên bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Và khi nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện xong thì đương nhiên quan hệ bảo lãnh chấm dứt.

Bảo lãnh được xác lập để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chính, khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ, thì bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện thay. Khi bên bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ cho bên nhận bảo lãnh, thì nghĩa vụ xem như chấm dứt. Khi đó bên được bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với bên bảo lãnh.

Thứ tư: Việc bảo lãnh chấm dứt theo thoả thuận của các bên

Trong quan hệ dân sự các bên được tự do thỏa thuận miễn là không trái với quy định pháp luật và đạo đức xã hội. Do đó các bên được thỏa thuận chấm dứt việc bảo lãnh, khi đó việc bảo lãnh sẽ chấm dứt trừ trường hợp pháp luật không cho phép.

Khi biện pháp bảo lãnh chấm dứt thì nghĩa vụ không có biện pháp bảo đảm. Vì vậy, bên có nghĩa vụ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền nếu vi phạm nghĩa vụ.

Thứ năm: Cam kết bảo lãnh hết hiệu lực 

Thứ sáu: Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh

Bên bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh. Do đó khi bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh thì lúc này nghĩa vụ bảo lãnh cũng sẽ chấm dứt.

Cuối cùng: Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Trên đây là những giải đáp về các trường hợp chấm dứt bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 16/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *