Bảo lãnh ngân hàng là gì? Quy định của pháp luật liên quan

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật các tổ chức tín dụng 2010
  • Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

II. Thế nào là bảo lãnh ngân hàng?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

III. Chủ thể trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng

Chủ thể trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao gồm:

Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho bên được bảo lãnh.

Trong trường hợp đồng bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh bao gồm cả tổ chức tín dụng ở nước ngoài.

– Bên được bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân được bảo lãnh bởi bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng.

Bên nhận bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân có quyền thụ hưởng bảo lãnh do bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phát hành.

Bên bảo lãnh đối ứng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện bảo lãnh đối ứng cho bên được bảo lãnh.

– Bên xác nhận bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện xác nhận bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

Khách hàng là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân sau:

+ Trong bảo lãnh ngân hàng (trừ bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh), khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh;

+ Trong bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh là bên bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng là bên được bảo lãnh;

+ Trong xác nhận bảo lãnh, khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh, khách hàng của bên xác nhận bảo lãnh là bên bảo lãnh.

(Điều 3 thông tư Thông tư 11/2022/TT-NHNN)

IV. Các hình thức bảo lãnh ngân hàng

Bảo lãnh đối ứng là hình thức bảo lãnh mà bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng.

Xác nhận bảo lãnh là một hình thức bảo lãnh ngân hàng mà bên xác nhận bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; bên bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên xác nhận bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh.

Đồng bảo lãnh là hình thức cấp tín dụng hợp vốn, theo đó có từ 02 (hai) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở lên cùng thực hiện bảo lãnh; hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng ở nước ngoài cùng thực hiện bảo lãnh.

V. Điều kiện đối với khách hàng (bên được bảo lãnh)

Thứ nhất, khách hàng có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi.

– Đối với cá nhân, năng lực pháp luật là khả năng cá nhân có quyền và nghĩa vụ, mỗi cá nhân đều có năng lực pháp luật như nhau. Còn năng lực hành vi là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

– Đối với pháp nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự, phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký. Năng lực hành vi của pháp nhân được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện (theo pháp luật hoặc theo ủy quyền) nhân danh pháp nhân trong quan hệ giao dịch dân sự.

– Đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân (hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã,…), các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. 

Thứ hai, nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp, trừ nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán trái phiếu đối với các doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ và trái phiếu phát hành bởi công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng khác.

Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 

VI. Quy Trình Thủ Tục Bảo Lãnh Ngân Hàng

Quy trình bảo lãnh ngân hàng gồm 6 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Khách hàng ký kết Hợp đồng với phía Đối tác theo yêu cầu: thanh toán, xây dựng, dự thầu… Phía đối tác yêu cầu cần có bảo lãnh Ngân hàng.

Bước 2: Khách hàng sẽ lập hồ sơ và gửi đề nghị bảo lãnh cho ngân hàng. Thủ tục hồ sơ bảo lãnh ngân hàng bao gồm:

– Giấy đề nghị bảo lãnh

– Hồ sơ pháp lý

– Hồ sơ mục đích

– Hồ sơ tài chính kinh doanh

– Hồ sơ tài sản đảm bảo.

Bước 3: Phía ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định các nội dung như: tính hợp pháp, khả thi của dự án bảo lãnh; năng lực pháp lý của khách hàng, hình thức bảo đảm; đánh giá khả năng tài chính của khách hàng.

Nếu được thông qua, ngân hàng và khách hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng cấp bảo lãnh và thư bảo lãnh.

Bước 4: Ngân hàng sẽ thông báo thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh. Trong thư sẽ có các quy định rõ ràng các nội dung cơ bản trong hợp đồng cấp bảo lãnh.

Bước 5: Ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh nếu phát sinh xảy ra.

Bước 6: Ngân hàng yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình với phía ngân hàng như: trả nợ gốc, lãi, phí.

Nếu bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ, phía ngân hàng sẽ tiến hành thanh toán thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc đối với số tiền trả nợ thay theo lãi suất nợ quá hạn của phía được bảo lãnh.

Các biện pháp cần thiết để thu nợ như phát mại tài sản đảm bảo, trích tài khoản của bên được bảo lãnh, khởi kiện… sẽ được ngân hàng áp dụng.

Trên đây là những giải đáp về bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 16/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *