Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan nhiều nhà đầu tư đã tiến hành chuyển nhượng một hoặc một phần dự án đầu tư mà mình đang thực hiện. Do vậy, để hiểu rõ điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư, Winlegal sẽ cùng các bạn tìm hiểu những bước trên theo quy định của pháp luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn hiện hành trong bài viết dưới đây.

Khái niệm chuyển nhượng dự án đầu tư

Căn cứ quy định tại khoản 4, điều 3 Luật đầu tư 2020 thì dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Hiện nay, chưa có khái niệm đầy đủ thế nào là chuyển nhượng dự án đầu tư, nhưng hiểu theo một nghĩa đơn giản, chuyển nhượng chính là việc chủ đầu tư bán một hoặc một phần dự án đầu tư mà mình đang thực hiện cho một nhà đầu tư khác, bản chất của chuyển nhượng chính là việc các bên tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư. Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/ND-CP hướng dẫn luật đầu tư thì Chuyển nhượng dự án đầu tư là việc một hoặc các nhà đầu tư của một dự án đầu tư chuyển một phần hoặc toàn bộ dự án của mình cho nhà đầu tư khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư.

Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật đầu tư 2020 thì Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau:

Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động trừ các trường hợp sau:

  • Nhà đầu tư đã quyết định chấm dứt hoạt động của dự án; theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp; hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án;
  • Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp:
  • Dự án đầu tư thuộc các trường hợp phải chấm dứt như để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo luật Di sản văn hoá; Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động; Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài; Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
  • Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
  • Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
  • Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện:

  • Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
  • Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
  • Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản.
  • Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
  • Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.

Xem thêm: Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư

Về nguyên tắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư nếu việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư làm thay đổi bất kỳ nội dung nào trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc nhà đầu tư thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì nhà đầu tư mới phải thực hiện việc điều chỉnh. Theo đó, căn cứ khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/ND-CP về hướng dẫn luật đầu tư thì hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gồm:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
  • Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
  • Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
  • Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
  • Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư;

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020.

Thủ tục điều chỉnh dự án (1) và (2) thực hiện như sau:

  • Bước 1: Nộp 08 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;
  • Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư để quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định sau:

  • Bước 1: Nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
  • Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020;
  • Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó, gửi Cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Bước 4: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm nội dung theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
  • Bước 6: Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.

Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
  • Bước 3: Gửi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư:

  • Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng trong các trường hợp nêu trên;
  • Bước 2: Sau khi hoàn thành thủ tục quy định, nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Có thể bạn quan tâm: Phân biệt dự án cần cấp giấy chứng nhận đầu tư và dự án cần chấp thuận chủ trương đầu tư

Dịch vụ tư vấn và hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư của Winlegal

Công ty của bạn đang có nhu cầu chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng không nắm được quy trình và công ty cũng không có bộ phận pháp lý chuyên phụ trách xử lý. Dịch vụ và hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty Luật TNHH Winlegal sẽ giúp bạn xử lý vấn đề này một cách nhanh chóng, đúng yêu cầu pháp luật.

Đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn luật của Winlegal được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư cho các doanh nghiệp. Đến với Winlegal, các bạn sẽ nhận được những tư vấn hỗ trợ về thủ tục giấy tờ cần cung cấp, các chuyên viên sẽ giúp bạn soạn thảo đầy đủ hồ sơ, nộp và hoàn tất các thủ tục đến khi việc chuyển nhượng dự án đầu tư hoàn tất.

Ngoài dịch vụ này, Winlegal cũng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tư vấn khác như tư vấn thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, tố tụng…

Mọi thông tin chi tiết về dịch vụ  vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): B9, ngõ 193 Trung Kính, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 0246.29.33.222

Email: [email protected]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *