Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua hình thức nào sẽ phù hợp theo quy định hiện nay? Hãy cùng Winlegal tìm hiểu điều này trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP
Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện nay
Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
- Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật đầu tư 2020.
Lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá/đấu thầu
Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ thực hiện đấu giá (thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai) hoặc đấu thầu (thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu) để lựa chọn nhà đầu tư. Các trường hợp dự án thuộc diện đấu giá nhưng mà không đáp ứng được các điều kiện để đấu giá (ví dụ: đất chưa được giải phóng mặt bằng) thì sẽ xem xét để đem dự án đi đấu thầu. Khi đó, nhà đầu tư trúng đấu giá, đấu thầu họ sẽ thực hiện dự án.
Trường hợp nếu đấu giá/đấu thầu không thành: “Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan”. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thêm quy trình chấp thuận nhà đầu tư để được công nhận là nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Xem thêm: Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư
Một nhà đầu tư lập đề xuất dự án thì làm thế nào để dự án đó chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư lập đề xuất dự án đó luôn? Cùng tìm hiểu các quy định sau đây:
- a) Các trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;
- Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.
- b) Thủ tục chấp thuận nhà đầu tư
Nhà đầu tư duy nhất đã đăng ký tham gia đấu giá hoặc nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án đầu tư sau khi tổ chức đấu giá ít nhất 02 lần nhưng không thành thì thực hiện theo thủ tục sau:
- Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư gồm: văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư, tài liệu quy định tại các điểm b, c, e, g và h khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư. Đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư đồng thời gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư;
- Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận nhà đầu tư và gửi Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư); cơ quan tổ chức đấu giá; cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.
Trường hợp đã đăng tải Danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì thực hiện theo thủ tục sau:
- Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư gồm: văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư, tài liệu quy định tại các điểm b, c, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi báo cáo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm và hồ sơ quy định nêu trên để lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư. Đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư đồng thời gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư;
- Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo gồm các nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận nhà đầu tư và gửi Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư) và nhà đầu tư.
Trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức đấu thầu thì các cơ quan này lập báo cáo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm và chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư. Quyết định chấp thuận nhà đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư), cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.
Thủ tục chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thực hiện tại khu kinh tế được thực hiện như sau:
- Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư cho Ban quản lý khu kinh tế gồm: văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư; tài liệu quy định tại các điểm b, c, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư;
- Ban quản lý khu kinh tế gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tương ứng tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban quản lý khu kinh tế, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Ban quản lý khu kinh tế;
- Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Có thể bạn quan tâm: Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư
Trên đây, Luật Winlegal vừa giới thiệu với các bạn 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định hiện hành. Mọi vấn đề vướng mắc về các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn luật đầu tư,…Quý khách vui lòng liên hệ Hotline của Winlegal 0246.29.33.222 để được giải đáp miễn phí trong thời gian sớm nhất.