MUA SẮM TẬP TRUNG TRONG ĐẤU THẦU

Mua sắm tập trung là một thuật ngữ đặc biệt trong pháp luật về đấu thầu, Vậy mua sắm tập trung là gì? Trường hợp nào thì được áp dụng mua sắm tập trung? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Luật Đấu thầu năm 2013

– Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

1. Mua sắm tập trung là gì

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2013  có quy định cụ thể về khái niệm mua sắm tập trung như sau: “Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.”

Mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.

Mua sắm tập trung được thực hiện theo hai cách sau đây:

  • Lựa chọn nhà thầu và thực hiện ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn. 
  • Lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận chung với một hay nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn. 

2. Nguyên tắc mua sắm tập trung

Nhằm đảm bảo cho hoạt động đấu thầu được công khai, khách quan và đem lại hiệu quả, việc quy định nguyên tắc mua sắm tập trung là điều cần thiết. Khi đó, các kế hoạch xác định, lựa chọn nhà thầu cũng được xây dựng công khai. Điều này thể hiện được các tiêu chí cần, đảm bảo các bên sẽ dành cho nhau những lợi ích tốt nhất.

Theo Điều 68 Nghị định 63/2014/NĐ-CP  khi thực hiện mua sắm tập trung cần tuân thủ các nguyên tắc dưới đây. 

2.1. Mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền

Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

2.2 Hoạt động mua sắm tập trung phải dựa trên cơ sở thỏa thuận khung

Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung thỏa thuận khung và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung trên cơ sở thỏa thuận khung. Trường hợp ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán hợp đồng.

2.3 Tuân thủ đúng lộ trình đấu thầu

Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với mua sắm tập trung được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2.4 Một số nguyên tắc khác

Trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc nhiều người có thẩm quyền khác nhau, người có thẩm quyền của các gói thầu thỏa thuận, ủy quyền cho một người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu năm 2013 ; trong trường hợp này, người có thẩm quyền giao cho một đơn vị trực thuộc có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 69 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP 

3. Trách nhiệm bên mời thầu khi áp dụng mua sắm tập trung

Trách nhiệm của bên mời thầu khi áp dụng mua sắm tập trung cụ thể như sau:

Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Đấu thầu, đối với quy định tại Khoản 2 Điều 74 và Điểm c Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu được thực hiện theo một trong hai cách sau:

Cấp trên của đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu năm 2013

4. Quy trình mua sắm tập trung

Tại Điều 70 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định cụ thể về quy trình mua sắm tập trung.

4.1 Quy trình mua sắm tập trung tổng quát

  • Tổng hợp nhu cầu;
  • Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  • Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;
  • Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết thỏa thuận khung;
  • Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thì không tiến hành ký kết thỏa thuận khung theo quy định tại Điểm g Khoản này;
  • Quyết toán, thanh lý hợp đồng.

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu thực hiện mua sắm tập trung có thể chia thành nhiều phần để tổ chức đấu thầu lựa chọn một hoặc nhiều nhà thầu trúng thầu.

Theo đó, thỏa thuận khung được quy định cụ thể tại Điều 72 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có đưa ra căn cứ về quy mô, tính chất, đơn vị mua sắm tập trung quy định cụ thể về nội dung chi tiết theo thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp nhưng phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; bảng kê số lượng hàng hóa, dịch vụ;
  • Thời gian, địa điểm giao hàng, cung cấp dịch vụ dự kiến;
  • Điều kiện bàn giao hàng hóa, dịch vụ; tạm ứng, thanh toán, thanh lý hợp đồng;
  • Mức giá trần tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ;
  • Điều kiện bảo hành, bảo trì; đào tạo, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
  • Trách nhiệm của nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
  • Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
  • Trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung;
  • Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận khung;
  • Xử phạt do vi phạm hợp đồng;
  • Các nội dung liên quan khác.

5. Danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm tập trung

Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung được quy định tại Điều 71 Nghị định 63/2014/NĐ-CP 

Hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

  • Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.

Trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung:

  • Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung do Bộ Y tế ban hành;
  • Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trên đây là những quy định cơ bản về mua sắm tập trung trong pháp luật đấu thầu. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 30/10/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *