QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU MỚI NHẤT HIỆN NAY

Để việc lựa chọn nhà thầu được diễn ra được công bằng và minh bạch thì quy trình lựa chọn nhà thầu phải được tổ chức hết sức chặt chẽ, đúng trình tự theo quy định pháp luật về đấu thầu. Vậy quy trình lựa chọn nhà thầu cụ thể ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  • Luật Đấu thầu năm 2013
  • Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

I. Trình tự các bước lựa chọn nhà thầu

Trình tự lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đấu thầu bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Nghiên cứu, khảo sát thị trường

Nghiên cứu khảo sát thị trường là bước đầu tiên để tiến hành thực hiện gói thầu. Nghiên cứu, khảo sát thị trường có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Thống kê kinh nghiệm đấu thầu từ các dự án trước hoặc các dự án liên quan;
  • Theo dõi chỉ số giá được cơ quan có thẩm quyền công bố;
  • Điều tra thị trường nhà cung cấp tiềm năng;
  • Tổng hợp thông tin và cập nhật giá cả tại thời điểm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bước 2: Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đưa ra phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 33  Luật Đấu thầu năm 2013 cụ thể:

– Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước;

– Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu;

– Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Bước 3: Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên có trách nhiệm trình kế hoạch chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, nếu xác định được chủ đầu tư thì đơn vị thuộc chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu chủ đầu tư để xem xét, phê duyệt. (Văn bản trình duyệt theo mẫu số 01 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT).

Trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư thì đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu đơn vị mình để xem xét, phê duyệt.

Bước 4: Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến nhận xét, căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác có liên quan.

Cơ quan, tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể là đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị chức năng trực thuộc người có thẩm quyền, trực thuộc chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án nếu chưa phê duyệt dự án.

Trường hợp thuê tư vấn đấu thầu thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì việc lựa chọn tư vấn phải tuân thủ quy định pháp luật.  Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt.

Đơn vị thẩm định tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung sau:

  • Việc phân chia dự án thành các gói thầu;
  • Tuân thủ nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  • Căn cứ pháp lý lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  • Nội dung và giá trị các phần công việc nêu trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nội dung từng gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  • Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.

Bước 5: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Căn cứ báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản để làm cơ ở tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau khi dự án được phê duyệt đồng thời với quyết định phê duyệt dự án trong trường hợp đủ điều kiện.

Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm:

  • Phần công việc đã và đang thực hiện;
  • Phần công việc chưa thực hiện nhưng không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu;
  • Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Mẫu văn bản Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo mẫu số 03  Thông tư 10/2015/BKHĐT.

Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của tổ chức thẩm định.

Bước 6: Đăng tải kế hoạch chọn nhà thầu

Bên mời thầu có trách nhiệm tự đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thời gian đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được ban hành.

Đối với những dự án, gói thầu thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc đăng tải thông tin sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước.

II. Quy trình lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp cụ thể

Quy trình lựa chọn nhà thầu được quy định tại điều 38 Luật Đấu thầu năm 2013.

1. Lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;
  • Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2. Lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu được quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu năm 2013

2.1 Chỉ định thầu thông thường

Đối với hình thức chỉ định thầu thông thường, quy trình lựa chọn nhà thầu bao gồm các bước sau:

  • Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu;
  • Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng

2.2 Chỉ định thầu rút gọn

Đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bao gồm các bước sau:

  • Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu;
  • Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Ký kết hợp đồng.

3. Lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh

3.1 Chào hàng cạnh tranh thông thường

Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường bao gồm các bước:

  • Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng;
  • Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

3.2 Chào hàng cạnh tranh rút gọn

Đối với chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn bao gồm các bước sau:

  • Chuẩn bị và gửi yêu cầu báo giá cho nhà thầu;
  • Nhà thầu nộp báo giá;
  • Đánh giá các báo giá và thương thảo hợp đồng;
  • Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

4. Lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu;
  • Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

5. Lựa chọn nhà thầu theo hình thức tự thực hiện

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với tự thực hiện bao gồm các bước:

  • Chuẩn bị phương án tự thực hiện và dự thảo hợp đồng;
  • Hoàn thiện phương án tự thực hiện và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;
  • Ký kết hợp đồng.

6.  Lựa chọn nhà thầu đối với nhà thầu tư vấn cá nhân

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với lựa chọn nhà thầu tư vấn cá nhân được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị và gửi điều khoản tham chiếu cho nhà thầu tư vấn cá nhân;
  • Nhà thầu tư vấn cá nhân nộp hồ sơ lý lịch khoa học;
  • Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân;
  • Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;
  • Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Ký kết hợp đồng.

7. Lựa chọn nhà thầu với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng

Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;
  • Tổ chức lựa chọn;
  • Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;
  • Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Trên đây là quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật hiện hành. Mọi thông tin chi tiết và nhu cầu cần tư vấn quý độc giả xin vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 04/11/2023

                    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *