ỦY THÁC THU THẬP CHỨNG CỨ

Ủy thác thu thập chứng cứ (TTCC) là biện pháp TTCC có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ việc dân sự (VVDS). Qua đó, cơ quan tiến hành tố tụng xác minh sự thật khách quan, giải quyết đúng đắn vụ việc, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự (ĐS) được đảm bảo. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về biện pháp ủy thác TTCC trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

1. ỦY THÁC THU THẬP CHỨNG CỨ LÀ GÌ?

  • Ủy thác TTCC là việc Tòa án đang giải quyết vụ án phải nhờ Tòa án khác hoặc cơ quan khác TTCC do Tòa án này không thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ vì có sự ngăn cách về địa giới lãnh thổ quốc gia hoặc giữa các đơn vị hành chính để lấy lời khai của ĐS, của người làm chứng, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác nhằm thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của VVDS. 
  • Điều 93 BLTTDS 2015 quy định: “Chứng cứ trong VVDS là những gì có thật được ĐS và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của ĐS là có căn cứ và hợp pháp”.
  • Hoạt động TTCC là việc phát hiện tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ VVDS để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng giải quyết VVDS.

2. QUY ĐỊNH VỀ ỦY THÁC THU THẬP CHỨNG CỨ

– Hoạt động ủy thác TTCC được quy định tại Điều 105 BLTTDS 2015.

– Thứ nhất, về căn cứ ủy thác TTCC

  • Tòa án đã thụ lý vụ án có thể ủy thác: (i) Tòa án khác trong trường hợp cần TTCC tại địa phương khác trong lãnh thổ Việt Nam; (ii) Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này. 
  • Với tính chất phức tạp của VVDS và chứng cứ tồn tại ở nhiều nơi gồm trong và ngoài lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì BLTTDS hiện hành đã quy định tiến hành hoạt động ủy thác TTCC trong 02 trường hợp: 

(i) Tòa án ở một địa phương trong lãnh thổ không thể tự mình thu thập được những chứng cứ cần thiết mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của hệ thống cơ quan Tòa án tại các địa phương khác.

(ii) Tòa án đã thụ lý vụ án làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các cơ quan tiến hành TTDS của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập Điều ước có quy định về vấn đề này trong trường hợp việc TTCC phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

– Thứ hai, về chủ thể thực hiện hoạt động ủy thác TTCC

  • Thẩm quyền ban hành quyết định ủy thác TTCC thuộc về Thẩm phán.
  • Tòa án đang giải quyết VVDS mà cần có nhu cầu TTCC, tài liệu có liên quan đến vụ việc thì Tòa án đó sẽ có thẩm quyền quyết định ủy thác TTCC cho Tòa án, cơ quan khác. 
  • Khi ủy thác, Tòa án ủy thác phải ra quyết định ủy thác và ghi rõ các nội dung theo khoản 2 Điều 105 BLTTDS như: Tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn và quan hệ tranh chấp. Ngoài ra, còn phải ghi rõ địa chỉ của ĐS, người làm chứng, cơ quan cần hỏi và nêu rõ những yêu cầu cụ thể cần làm rõ trong việc uỷ thác điều tra như đặt ra các nội dung cần hỏi, xem xét cụ thể tài sản, đồ vật, đặc biệt những điểm cần lưu ý xem xét kỹ.

– Thứ ba, về thời hạn thực hiện ủy thác TTCC

  • Thời hạn thực hiện ủy thác được quy định tại khoản 3 Điều 105 BLTTDS.
  • Đối với ủy thác được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam:
  • Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác.
  • Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác.
  • Đối với ủy thác thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam: Tòa án làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này.
  • Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời, Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ VVDS.

Trên đây là những nội dung cần thiết về hoạt động ủy thác thu thập chứng cứ trong TTDS, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 16/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *