Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự (VVDS) chưa có điều luật áp dụng là nguyên tắc tiến bộ nhằm bảo vệ, tôn trọng các quyền của con người được Hiến pháp và pháp luật công nhận. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu nguyên tắc nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VVDS CHƯA CÓ ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG LÀ GÌ?
- Nguyên tắc giải quyết VVDS khi chưa có điều luật áp dụng trong TTDS là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cũng như việc lựa chọn, áp dụng các nguồn khác của pháp luật của Tòa án khi có sự yêu cầu nhằm thiết lập lại quyền và lợi ích hợp pháp trong các quan hệ pháp luật dân sự cho các chủ thể bị xâm phạm mà tại thời điểm đó chưa có điều luật để áp dụng.
- Để tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc giải quyết VVDS của Tòa án và bảo đảm tối đa quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” và cho ra đời “Nguyên tắc giải quyết VVDS trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”.
- Theo Điều 45 BLTTDS 2015, việc áp dụng các căn cứ để giải quyết VVDS trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo thứ tự: (1) Áp dụng tập quán; (2) Áp dụng tương tự pháp luật; (3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
2. CƠ SỞ HÌNH THÀNH NGUYÊN TẮC
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
- Thứ nhất, xuất phát từ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể có quyền tự bảo vệ theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.
- Thứ hai, xuất phát từ bản chất của các quan hệ dân sự. Quan hệ pháp luật dân sự có thể tồn tại ngay cả khi không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh.
- Thứ ba, xuất phát từ việc bảo vệ và bảo đảm các quy định của pháp luật nội dung phải được thực hiện. BLTTDS hiện hành quy định về Tòa án không được từ chối giải quyết VVDS khi chưa có điều luật áp dụng và các nguyên tắc để giải quyết các VVDS khi chưa có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh thể hiện sự tương thích với BLDS 2015, mối quan hệ luật tố tụng phải phù hợp với luật nội dung.
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
- Trong thực tiễn, với nhiều lý do nên khi tham gia vào các quan hệ dân sự, các chủ thể không thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình và đã xâm phạm đến quyền, lợi ích của chủ thể khác.
- Mặt khác, khi các bên không thể tự giải quyết các xung đột thì đòi hỏi cần phải có cơ quan chức năng đứng ra giải quyết (một trong những cơ quan chức năng đó là Tòa án) là điều tất yếu. Nếu Tòa án từ chối giải quyết chỉ với lý do chưa có điều luật áp dụng sẽ gây nhiều hệ lụy xấu nên việc đặt ra nguyên tắc không những giải quyết các vấn đề mang tính lý luận mà còn giải quyết nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
3. Ý NGHĨA
3.1. ĐỐI VỚI ĐƯƠNG SỰ
- Nguyên tắc này xác định các chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và Toà án phải xem xét giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, kể cả khi VVDS chưa có điều luật áp dụng.
- Việc quy định nguyên tắc này trong pháp luật dân sự giúp cho chủ thể bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp dễ dàng nhận được bồi thường thiệt hại, cũng như đảm bảo được lợi ích của mình một cách triệt để.
3.2. ĐỐI VỚI TÒA ÁN
- Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định cụ thể, đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì việc quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý và giải quyết VVDS sẽ giúp quá trình này của Toà án được thực hiện dễ dàng, thuận lợi hơn.
- Bên cạnh đó, việc pháp luật quy định nguyên tắc này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời khẳng định Toà án là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong mọi trường hợp, kể cả trong một số trường hợp chưa được pháp luật quy định.
Trên đây là nội dung về nguyên tắc giải quyết VVDS khi chưa có điều luật áp dụng, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 25/10/2023