Để kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam thì thương nhân cần thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về thủ tuc xin cấp phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật thương mại 2005
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương
II. Khái niệm kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất
– Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) vào lãnh thổ Việt Nam. Thông thường, hàng hóa sau khi được nhập khẩu vào một quốc gia thì sẽ được lưu lại tại quốc gia đó để phân phối ra thị trường hoặc phục vụ cho một mục đích nhất định của doanh nghiệp nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh và có lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp tạm nhập thì hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích cho lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn được xuất khẩu sang nước thứ ba.
– Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào Việt Nam và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.
Như vậy tạm nhập tái xuất là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực Hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
III. Hồ sơ cấp giấy phép
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 69/2018/NĐ-CP về hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất có nội dung như sau:
– Trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất, nêu rõ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất (tên hàng, mã HS hàng hóa, số lượng, trị giá); cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: 1 bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
+ Hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu do doanh nghiệp ký với khách hàng nước ngoài: Mỗi loại 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
+ Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đã được cấp, nêu rõ số lượng hàng hóa đã tạm nhập, số lượng hàng hóa đã thực xuất: 1 bản chính.
– Trường hợp tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo hình thức khác quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất, nêu rõ hàng hóa tạm nhập, tái xuất (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); mục đích tạm nhập, tái xuất; cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: 1 bản chính.
+ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
+ Hợp đồng, thỏa thuận thuê, mượn ký với khách hàng nước ngoài: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ công thương
IV. Quy trình cấp giấy phép
Căn cứ tại Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP về quy trình cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất có nội dung như sau:
Bước 1: Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.
Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Riêng đối với “Giấy phép tạm nhập, tái xuất hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất,” thời hạn cấp Giấy phép là 3 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được văn bản đồng ý việc tạm nhập, tái xuất của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.
Lưu ý: Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép; cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấp phép cho thương nhân.
V. Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện
Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện được quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VII Nghị định 69/2018/NĐ-CP
– Danh mục hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VIII Nghị định 69/2018/NĐ-CP
– Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện quy định tại Phụ lục IX Nghị định 69/2018/NĐ-CP
Trên đây là những giải đáp về thủ tục xin cấp phép kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 06/11/2023