Ngày nay nhu cầu làm đẹp ngày một tăng, không chỉ đối với những chị em phụ nữ mà còn cả đối với cả nam giới. Do đó mà những spa, thẩm mỹ viện được mở ra ngày một nhiều. Vậy thì để được kinh doanh thẩm mỹ cần có những thủ tục gì? Có cần giấy phép hoạt động không? Sau đây chúng tôi xin gửi đến độc giả những thông tin về chủ đề này.
Mục lục
1. Thẩm mỹ viện là gì?
Nhiều người còn đang nhầm lẫn giữa hình thức thẩm mỹ viện và phòng khám thẩm mỹ. Thực tế thẩm mỹ viện (viện thẩm mỹ) là cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cho cả nam và nữ. Một số dịch vụ, hình thức hoạt động của thẩm mỹ viện mà bạn thường thấy là: spa, gội đầu dưỡng sinh, tiệm làm nail, salon tóc, viện phun xăm thẩm mỹ trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm (điêu khắc chân mày, phun môi, mí…), chăm sóc da mặt, wax lông…
Nói cách khác, thẩm mỹ viện chỉ được phép cung cấp các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, không làm thay đổi hình dạng hoặc khiếm khuyết trên cơ thể.
Trường hợp bạn dự định cung cấp các hạng mục làm đẹp có sử dụng thiết bị, thuốc gây tê dạng tiêm… can thiệp xâm lấn vào cơ thể người thì bạn phải mở phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, chứ không mở thẩm mỹ viện.
2. Thủ tục đăng ký kinh doanh
Để kinh doanh thì bạn cần thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp và đăng ký mã ngành nghề phù hợp theo quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tùy vào, dịch vụ bạn cung cấp mà sẽ lựa chọn mã ngành phù hợp. Một số mã ngành phổ biến như:
Mã 9610: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao)
Nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…)
Mã 8610 – Hoạt động của các bệnh viện, trạm y tế
Mã 8620: Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa
Nếu như viện thẩm mỹ chỉ cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ không phẫu thuật thì đăng ký mã ngành 9610. Nếu như viện thẩm mỹ có cung cấp các dịch vụ phẫu thuật về thẩm mỹ thì cần đăng ký thêm mã 8610 hoặc 8620 tùy vào việc cơ sở xin giấy phép hoạt động theo loại hình phòng khám chuyên khoa hay bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
3. Điều kiện kinh doanh thẩm mỹ
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP) quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh thì kinh doanh thẩm mỹ sẽ có 2 trường hợp:
– Một là, Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ/Bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ;
– Hai là, Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Theo Khoản 5 Điều 23a Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP) quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Nếu như các dịch vụ thẩm mỹ mà bạn dự định cung cấp có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì bạn phải mở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Để mở được bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thì cơ sở kinh doanh phải thỏa điều kiện tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP) và thực hiện xin cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
3. Thẩm mỹ viện không có giấy phép hoạt động bị phạt thế nào?
Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ viện không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ kinh doanh, không có địa điểm hoạt động cụ thể thì sẽ bị phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài mức phạt hành chính thì thẩm mỹ viện còn bị phạt đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng (Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm quy định, nếu đối với tổ chức thì sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trên đây là những thông tin về Quy định kinh doanh thẩm mỹ viện. Nếu quý bạn đọc muốn tìm hiểu thêm các thông tin liên hệ theo hotline 0246.29.33.222/0976.718.066. Tại Công Ty Luật TNHH Winlegal có đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.
———————————–
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Hương
Ngày xuất bản: Ngày 10/04/2024