THỦ TỤC MỞ THẦU THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Mở thầu là một giai đoạn đặc biệt trong quy trình tổ chức đấu thầu, được tổ chức công khai với sự tham gia của các nhà thầu cùng các bên liên quan. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trình tự thủ tục mở thầu? Hãy cùng WINLEGAL đón đọc trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

I. Mở thầu là gì

Mở thầu là việc bên mời thầu thông báo công khai những thông tin cơ bản trong hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia đấu thầu trước khi tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu.

Mở thầu thường được thực hiện ngay sau khi đóng thầu, hoặc sau thời điểm tiếp nhận hồ sơ dự thầu đến địa điểm mở thầu. Để đảm bảo tính an toàn cho việc bảo quản hồ sơ dự thầu, địa điểm tiếp nhận hồ sơ dự thầu được bố trí rất gần hoặc cùng với địa điểm mở thầu.

Lưu ý:

Trong sự kiện mở thầu, các nhà thầu không được thay đổi hoặc bổ sung thông tin có trong hồ sơ dự thầu đã nộp.

Các bên mời thầu cũng chưa được phép đưa ra bất kì quyết định nào liên quan đến việc chấp nhận hay loại bỏ hồ sơ dự thầu (nếu không đáp ứng yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời thầu).

II. Trình tự mở thầu

Theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 63/2014/NĐ-CP , trình tự mở thầu được tiến hành như sau:

Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu;

Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:

– Yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự mở thầu xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo hồ sơ dự thầu của mình;

– Kiểm tra niêm phong;

– Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về:

  • Tên nhà thầu;
  • Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ;
  • Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu;
  • Giá trị giảm giá (nếu có);
  • Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;
  • Thời gian thực hiện hợp đồng;
  • Giá trị, hiệu lực của bảo đảm dự thầu;l
  • Các thông tin khác liên quan;

– Biên bản mở thầu: Các thông tin nêu tại Điểm b Khoản này phải được ghi vào biên bản mở thầu. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu;

– Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung đề xuất về tài chính và các nội dung quan trọng khác của từng hồ sơ dự thầu.

Lưu ý:

Trong trường hợp áp dụng phương thức hai túi hồ sơ, buổi mở thầu lần đầu tiên chỉ thực hiện với mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, bên mời thầu không mở hồ sơ đề xuất tài chính. Hồ sơ đề xuất về tài chính của tất cả các nhà thầu phải được bên mời thầu niêm phong trong một túi riêng biệt và được đại diện của bên mời thầu, nhà thầu tham dự lễ mở thầu ký niêm phong. Do đó các thông tin về giá dự thầu của các nhà thầu được giữ kín. (Theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).

Trên đây là trình tự thủ tục mở thầu theo quy định pháp luật. Mọi thắc mắc và nhu cầu tư vấn quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 04/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *