Điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ Điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp ý

  • Quyết định số 16/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: QĐ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội

II. Ngân hàng chính sách xã hội là gì?

Ngân hàng Chính sách xã hội (tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Bank for Social Policies, viết tắt: VBSP) là tổ chức tín dụng thuộc Chính phủ Việt Nam, được thành lập để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

III. Những đối tượng nào được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội?

Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức đi vào hoạt động với phạm vi cho vay gói gọn trong những đối tượng đặc biệt của xã hội sau đây:

– Hộ nghèo

– Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề

Các HS có hoàn cảnh khó khăn đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập, bán công hoặc dân lập có thời gian đào tạo từ một năm trở lên đều được vay.

Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm

Đối tượng gồm các hộ gia đình, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và dịch vụ; cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật; tổ hợp sản xuất; hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ gia đình và cá nhân làm kinh tế trang trại. Trong các đối tượng trên, ưu tiên cho các dự án có đối tượng là người tàn tật, sử dụng nhiều lao động nữ, giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực đô thị hóa.

Đối tượng vay phải có dự án vay vốn tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc thường xuyên và phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án. Đối với hộ gia đình phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi thực hiện dự án.

– Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

 NHCSXH cho vay thông qua hộ gia đình có người là đối tượng chính sách đi lao động hoặc trực tiếp cho vay đối với người lao động là độc thân.

Diện chính sách gồm: vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; thương binh, vợ hoặc chồng, con của thương binh; con của anh hùng, con của người tham gia kháng chiến, người có công được thưởng huân huy chương…; người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH.

– Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (hay còn gọi là chương trình 135) 

– Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Lưu ý: Các đối tượng cho vay ở trên sẽ được gọi chung là Người vay. Người vay khi vay vốn không phải thế chấp tài sản. Trừ các tổ chức kinh tế thuộc các đối tượng sau: 

– Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm

– Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

IV. Điều kiện để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

– Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã.

– Người vay là các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định trong Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

V. Một số câu hỏi liên quan

Câu 1: Khoản cho vay của ngân hàng chính sách sẽ được sử dụng cho việc gì?

Vốn cho vay được sử dụng vào các việc sau:

– Đối với hộ nghèo; hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để:

+ Mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

+ Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch, học tập.

– Đối với các tổ chức kinh tế thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để chi phí cho sản xuất, kinh doanh theo chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.

– Người vay là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, sử dụng vốn vay để trả phí đào tạo, phí dịch vụ, tiền đặt cọc, vé máy bay.

– Người vay là các đối tượng khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi được sử dụng theo hợp đồng ủy thác.

Câu 2: Ngân hàng chính sách có những loại cho vay nào?

Ngân hàng chính sách có những loại cho vay sau:

– Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng.

– Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.

– Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về điều kiện cho vay của ngân chính sách Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 27/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *