Người nước ngoài có được vay tiền có ngân hàng Việt Nam không?

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi: Người nước ngoài có được vay tiền ngân hàng Việt Nam không?

I. Cơ sở pháp lý

  • Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
  • Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng

II. Người nước ngoài là ai?

Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

III. Người nước ngoài có được vay tiền ngân hàng Việt Nam không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì những pháp nhân, cá nhân được vay tiền ngân hàng Việt Nam, bao gồm:

– Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

– Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì cá nhân là người nước ngoài nếu có nhu cầu vay vốn và đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật thì được vay vốn tại ngân hàng Việt Nam.

IV. Điều kiện để người nước ngoài được vay vốn tại ngân hàng Việt Nam 

theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN), người nước ngoài sẽ được xem xét cho vay vốn khi đáp ứng được các điều kiện sau:

– Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

– Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

– Có phương án sử dụng vốn khả thi.

– Có khả năng tài chính để trả nợ.

Như vậy, cá nhân là người nước ngoài có thể được xem xét, quyết định cho vay khi đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Lưu ý: người nước ngoài không được vay tiền tại ngân hàng Việt Nam khi thuộc hững nhu cầu sau đây:

– Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

– Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.

– Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

– Để mua vàng miếng.

– Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

– Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

– Để gửi tiền.

V. Câu hỏi liên quan

Câu 1: Nếu người nước ngoài không trả được hoặc trả không đủ lãi/gốc thì tiền lãi sẽ được tính thế nào?

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

– Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

– Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Câu 2: Nội dung thỏa thuận về lãi xuất vay giữa người nước ngoài và ngân hàng bao gồm những gì?

Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.

 Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về câu hỏi người nước ngoài có được vay tiền của ngân hàng Việt Nam không theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 25/03/2024

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *