Thủ tục hải quan của tạm nhập, tái xuất hàng hóa

 Thủ tục hải quan là một trong vấn đề quan trọng mà các thương nhân cần quan tâm khi kinh doanh hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Do đó trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn tìm hiểu về thủ tục hải quan của tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật thương mại 2005
  • Nghị định số 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương
  • Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

II. Khái niệm kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất

Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) vào lãnh thổ Việt Nam. Thông thường, hàng hóa sau khi được nhập khẩu vào một quốc gia thì sẽ được lưu lại tại quốc gia đó để phân phối ra thị trường hoặc phục vụ cho một mục đích nhất định của doanh nghiệp nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh và có lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp tạm nhập thì hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích cho lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn được xuất khẩu sang nước thứ ba.

– Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào Việt Nam và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.

Như vậy tạm nhập tái xuất là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực Hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

III. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất

– Thời gian hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục tạm nhập. (Khoản 4 Điều 13, Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương).

– Hàng hóa tạm nhập, tái xuất chịu sự giám sát của Hải quan từ khi nhập khẩu cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cách thức thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất.

IV. Các loại hình tạm nhập, tái xuất hiện nay

Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, hiện nay có 05 hình thức tạm nhập tái xuất:

– Tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh

– Tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn

– Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài

– Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại

– Tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác

V. Thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được quy định tại Điều 82, Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể:

1. Thủ tục hải quan tạm nhập

– Hồ sơ hải quan tạm nhập bao gồm: các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan nhập khẩu, đồng thời doanh nghiệp phải chuẩn bị thêm các tài liệu

– Hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu: 01 bản chụp.

– Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ:

  • Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp (01 bản chụp)
  • Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng theo quy định phải được Bộ Công Thương cấp phép (01 bản chính).

– Địa điểm làm thủ tục hải quan: Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập.

2. Thủ tục hải quan tái xuất

– Hồ sơ hải quan tái xuất bao gồm: các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan xuất khẩu. 

– Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục hải quan tạm nhập, người khai hải quan thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC thì khi làm thủ tục hải quan tái xuất, việc khai hải quan cũng được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này. 

VI. Ưu điểm của loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa

– Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, thành phần để sản xuất hàng hóa xuất khẩu với giá thành thấp hơn, cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

– Giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tải vốn lưu động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

– Giúp các doanh nghiệp tránh khỏi những rủi ro thị trường như sự thay đổi của các quy định về xuất khẩu hoặc nhập khẩu của các nước.

– Tăng cường khả năng kiểm soát và quản lý hàng hóa, giảm thiểu các sai sót trong quá trình xuất nhập khẩu, đảm bảo an toàn và chất lượng hàng hóa.

– Đóng góp tích cực vào hoạt động kinh tế, tăng cường quan hệ thương mại giữa các nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Trên đây là những giải đáp về thủ tục hải quan tạm nhập tái xuất hàng hóa theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 06/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *