THỦ TỤC GIẢI THỂ CÔNG TY TNHH 2 THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

Trong thế giới kinh doanh đầy biến động, bên cạnh việc các doanh nghiệp thành lập mới phù hợp với chiến lược kinh doanh của các cá nhân, tổ chức thì cũng không ít doanh nghiệp đã và đang hoạt động chật vật, không hiệu quả và hệ quả tất yếu dẫn tới việc phải thực hiện giải thể đứa con tinh thần của mình. Vậy, khi không có khả năng hoạt động tiếp, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục giải thể như thế nào ? và quy trình giải thể ra sao để tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Winlegal sẽ đồng hành cùng bạn thông qua hướng dẫn chi tiết về quy trình giải thể công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

I. Các Trường Hợp Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải giải thể

Theo Điều 207 của Luật doanh nghiệp 2020, có một số trường hợp khi công ty cần tiến hành giải thể:

  1. Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
  2. Theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có ít nhất 2 thành viên.
  3. Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
  4. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Trường hợp phổ biến nhất dẫn tới việc giải thể đó là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, dẫn tới Hội đồng thành viên bắt buộc phải ra quyết định giải thể công ty.

Lưu ý:

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Giải thể công ty

 

II. Trình tự, thủ tục Giải Thể Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Quy trình giải thể theo quy định của Điều 208 và 209 của Luật doanh nghiệp 2020 thường gồm ba bước cơ bản:

Bước 1: Hội đồng thành viên Công ty tiến hành họp để thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

b) Lý do giải thể;

c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;

d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Như vậy, sau khi thông qua nghị quyết, quyết định. Hội đồng thành viên trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng thì thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;

Bước 2: Thông báo giải thể với phòng Đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Như vậy, cùng với việc nộp hồ sơ thông báo giải thể lên Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở, Công ty sẽ tiến hành các thủ tục song song với Thủ tục thông báo giải thể là liên hệ cơ quan thuế, cơ quan Hải quan để gửi công văn xác định nghĩa vụ thuế của công ty với các cơ quan này, đồng thời thực hiện quyết toán thuế, hoàn thành các nghĩa vụ với cơ quan quản lý thuế.

Hồ sơ thông báo giải thể gồm: Căn cứ Điều 210 Luật doanh nghiệp 2020, hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo về giải thể (Mẫu quy định Phụ lục II-22 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
  • Quyết định của hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp

Lưu ý: Quyết định giải thể của Hội đồng thành viên phải được ghép trong cùng một file với Thông báo giải thể

  • Biên bản họp hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp gồm những thông tin sau:
    • Thời gian và địa điểm họp; mục đích, chương trình họp;
    • Họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên, người đại diện theo ủy quyền dự họp; họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên không dự họp;
    • Vấn đề được thảo luận và biểu quyết; tóm tắt ý kiến phát biểu của thành viên về từng vấn đề thảo luận;
    • Tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ, không hợp lệ; tán thành, không tán thành, không có ý kiến đối với từng vấn đề biểu quyết;
    • Các quyết định được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết tương ứng;
    • Họ, tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có);
    • Họ, tên, chữ ký của người ghi biên bản và chủ tọa cuộc họp.
  • Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh (nếu có).

Bước 3: Thanh lý tài sản và Hoàn Tất Khoản Nợ

Theo quy định tại khoản 5 của Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải thanh toán các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên khi giải thể như sau:

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
  • Nợ thuế.
  • Các khoản nợ khác.

Đối với nợ thuế công ty cần quyết toán thuế và đóng đầy đủ các khoản thuế mình phải nộp: những loại thuế phải quyết toán các như phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN, và nhiều khoản thuế khác. Sau khi quyết toán thuế, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy xác nhận không nợ thuế.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh

Sau khi đã hoàn tất việc thanh toán các khoản nợ và quyết toán thuế, doanh nghiệp cần phải thông báo giải thể lên Phòng ĐKKD trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ và nhận được giấy xác nhận không nợ thuế của cơ quan thuế.

Hồ sơ ở bước này bao gồm:

  • Thông báo giải thể
  • Danh sách chủ nợ
  • Báo cáo thanh lý tài sản
  • Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục giải thể (nếu có)

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.

Lưu ý quan trọng đối với các doanh nghiệp thành lập trước năm 2014 (trước ngày luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành)

Đối với doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an theo quy định khi làm thủ tục giải thể.

Trên đây là một số quy định của pháp luật về quy trình giải thể công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sự hỗ trợ về việc giải thể công ty, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Mr. Tân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *