GIẢI THỂ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

Sau khi thành lập và hoạt động doanh nghiệp không kinh doanh hiệu quả, hoặc không tìm được hướng phát triển như đã đề ra, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục kinh doanh hoặc không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh bên cạnh lựa chọn giải pháp thủ tục tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thì có thể lựa chọn rút lui hẳn khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền. Khi giải thể, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý để chấm dứt tư cách pháp nhân các quyền và nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp với các cơ quan có thẩm quyền.

A, CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp 2020
  • Nghị định 01/2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp

B, CÔNG TY TNHH 1 THÀNH VIÊN GIẢI THỂ

I, Các trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên giải thể

Theo quy định tại khoản 1 điều 207 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định thì doanh nghiệp sẽ bị giải thể trong các trường hợp:

“… 

a, Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

  1. b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  2. c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  3. d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”

Như vậy, Công ty TNHH 1 thành viên sẽ bị giải thể nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp:

  •  Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  • Theo nghị quyết, quyết định của Chủ sở hữu
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

II, Yêu cầu, điều kiện giải thể

Nếu doanh nghiệp thuộc một trong những trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có thể bị giải thể, tuy nhiên để được giải thể thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  • Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác.
  • Không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. 

Như vậy, dù là giải thể tự nguyện hay giải thể bắt buộc thì điều kiện đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán được các nghĩa vụ tài chính của mình.

Đây là quy định nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích của những người có liên quan tới doanh nghiệp như người lao động trong doanh nghiệp hay các chủ nợ.

III, Hồ sơ giải thể với Công ty TNHH 1 thành viên

Hồ sơ giải thể doanh nghiệp nói chung và Công ty TNHH 1 thành viên sẽ bao gồm:

a) Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

b) Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).

IV, Trình tư, thủ tục 

Theo Điều 208, Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 70, Điều 71 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tùy vào lý do công ty TNHH 1 thành viên giải thể mà thủ tục thực hiện sẽ là khác nhau. Cụ thể:

* Trình tự, thủ tục giải thể với trường hợp giải thể do hết thời hạn hoạt động, giải thể do quyết định của chủ công ty

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

  • Trước hết doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể.

Việc giải thể phải được thông qua bởi Chủ sở hữu. Quyết định này gồm các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản.

  • Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:

Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

Lý do giải thể.

Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động, thanh lý hợp đồng lao động.

Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

  • Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể
  • Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

  • Về người tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rằng Chủ sở hữu công ty trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng;
  • Khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thứ tự thanh toán nợ như sau:
  • Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.
  • Theo Điểm c Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

  • Theo quy định tại Khoản 4 Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

  • Khoản 8 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc giải thể doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức:
  • Trường hợp giải thể theo hồ sơ: Điều 70 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế.
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của DN đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp giải thể tự động:

Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Giải thể doanh nghiệp

* Thủ tục giải thể doanh nghiệp với trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể công ty trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

  • Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của Tòa án đã có hiệu lực thi hành.
  • Kèm theo thông báo còn phải đăng tải quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án

Bước 2: Ra quyết định giải thể và gửi quyết định này đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và công khai quyết định này

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, doanh nghiệp phải triệu tập họp để ra quyết định giải thể.
  • Doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp.
  • Quyết định giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh của doanh nghiệp.
  • Trong một số trường hợp pháp luật có yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.
  • Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.
  • Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Quyết định thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Trình tự, cách thức thực hiện tại các bước 3, 4, 5 thực hiện tương tự như trường hợp giải thể tự nguyện đã trình bày ở trên

Trên đây là một số quy định của pháp luật về giải thể công ty TNHH 1 thành viên. Qúy khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (Văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, Đường Nguyễn Hoàng Tôn, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 02462933222/ 0976718066

Chuyên viên: Liễu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *