Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm

Trong phạm vi bài viết này công ty luật, Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật.

I.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Về đăng ký biện pháp bảo đảm

II. Biện pháp bảo đảm là gì?

Thông qua các quy định pháp luật, có thể hiểu rằng biện pháp bảo đảm là các cách thức, giải pháp được các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng hay thỏa thuận. 

Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: (i) cầm cố tài sản, (ii) thế chấp tài sản, (iii) đặt cọc, (iv) ký cược, (v) ký quỹ, (vi) bảo lưu quyền sở hữu, (vii) bảo lãnh, (viii) tín chấp, (ix) cầm giữ tài sản.

III. Đăng ký biện pháp bảo đảm

Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm.

IV. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm

– Thời điểm có hiệu lực của đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ địa chính; 

– Đối với tài sản gắn liền với đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định 99/2022/NĐ-CP là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; 

– Đối với tàu bay là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam; 

-Đối với tàu biển là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; 

– Đối với động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 44 Nghị định 99/2022/NĐ-CP là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.

Thời điểm có hiệu lực của đăng ký đối với quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển;

V. Một số câu hỏi liên quan

Câu 1: Trường hợp nào bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

Các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:

– Thế chấp quyền sử dụng đất;

– Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

– Thế chấp tàu biển.

Câu 2: Cách thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm như thế nào?

Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về cách thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

– Hồ sơ đăng ký được nộp theo một trong các cách thức sau đây:

(i) Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

(ii) Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;

(iii) Qua thư điện tử.

– Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quy định tại (i) và (iii) đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển hoặc đối với tàu bay, tàu biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, về hàng không hoặc pháp luật về hàng hải.

– Cách thức nộp hồ sơ đăng ký quy định tại (iii) đối với trường hợp đăng ký quy định tại Điều 44 Nghị định 99/2022/NĐ-CP được áp dụng đối với người đã được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến.

Câu 3: Trường hợp nào phải xóa đăng ký biện pháp bảo đảm?
Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;
– Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo đảm đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác;
– Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;
– Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;
– Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu;
– Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
– Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;
– Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm;
– Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 22/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *