Khám nghiệm hiện trường là một việc rất quan trọng. Để đảm bảo việc khám nghiệm được diễn ra thuận lợi và tránh có sai sót thì điều tra viên phải tuân thủ quy trình, thủ tục khám nghiệm hiện trường. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ tìm hiểu về quy trình, thủ tục khám nghiệm hiện trường.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
2. Một số khái niệm
– Hiện trường là nơi có thông tin, dấu vết của tội phạm hoặc nghi có liên quan đến tội phạm cần tiến hành khám nghiệm.
– Bộ luật Tố tụng hình sự hiện không có quy định giải thích cụ thể thế nào là khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, có thể hiểu khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự.
+ Nơi thực hiện: nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm
+ Mục đích: phát hiện dấu vết tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án.
3. Người có thẩm quyền khám nghiệm hiện trường
– Người có thẩm quyền khám nghiệm hiện trường là điều tra viên. Điều tra viên sẽ chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
– Về thành phần, lực lượng khám nghiệm hiện trường gồm sự tham gia bắt buộc của Điều tra viên chủ trì cuộc khám nghiệm, Kiểm sát viên, người chứng kiến. Vì vậy, trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường cũng phải có người chứng kiến.
4. Hồ sơ khám nghiệm hiện trường
Điều tra viên chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:
– Văn bản thông báo về việc điều tra gửi Viện kiểm sát
– Tài liệu thể hiện các thông tin cá nhân của những người tham gia/người làm chứng việc khám nghiệm hiện trường
– Biên bản giao nhận, lưu trữ, niêm phong đồ vật/tài liệu/phương tiện sử dụng để gây án hặc có liên quan đến vụ án
– Biên bản khám nghiệm hiện trường có đầy đủ chữ ký của những người tham gia/người làm chứng.
5. Trình tự khám nghiệm hiện trường thực hiện thế nào?
Theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trình tự khám nghiệm hiện trường được thực hiện như sau:
– Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường:
+ Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
+ Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
– Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành:
+ Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình;
+ Xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án;
+ Ghi rõ kết quả khám nghiệm vào Biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến, có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm như: Bác sĩ pháp y, kỹ sư cầu đường (trường hợp hiện trường bị sập cầu), giám định viên kỹ thuật hình sự về súng đạn (hiện trường có súng đạn)…
6. Điểm mới về quy định về khám nghiệm hiện trường trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Thứ nhất, quy định dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ để Cơ quan điều tra tiến hành để phát hiện ra dấu vết của tội phạm, làm sáng rõ các tình tiết của vụ án.
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường về các tội phạm hoạt động trong lĩnh vực internet, công nghệ cao…thì điều tra viên cũng phải thu thập dữ liệu điện tử.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể các biện pháp được áp dụng trong tố tụng hình sự bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử, quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy , tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền …
Quy định như vậy có ý nghĩa nhất là với sự phát triển của khoa học, công nghệ như ngày nay. Tội phạm xâm phạm an ninh mạng ngày càng có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tấn công, xâm nhập mạng, lấy cắp, phá hoại dữ liệu, đưa thông tin nhạy cảm trái phép lên mạng, gian lận thẻ ngân hàng, lừa đảo qua mạng… đang ngày càng trở nên phổ biến.
Thứ hai, quy định rõ hơn nhiệm vụ trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường là Điều tra viên “Điều tra viên chủ trì để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”. Ngoài ra cũng thay từ chữ “nhằm phát hiện” sang chữ ” để phát hiện” theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để từ đó nhấn mạnh mục đích chính của hoạt động khám nghiệm hiện trường.
Trên đây là những giải đáp về trình tự, thủ tục khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My