Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải lập biên bản khám nghiệm hiện trường. Vậy biên bản khám nghiệm hiện trường là gì, gồm những nội dung nào? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.
1.Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
2.Một số khái niệm
– Hiện trường là nơi có thông tin, dấu vết của tội phạm hoặc nghi có liên quan đến tội phạm cần tiến hành khám nghiệm.
– Bộ luật Tố tụng hình sự hiện không có quy định giải thích cụ thể thế nào là khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, có thể hiểu khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự.
+ Nơi thực hiện: nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm
+ Mục đích: phát hiện dấu vết tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án.
3.Nội dung của biên bản khám nghiệm hiện trường
Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường trong đó thể hiện được toàn bộ các hoạt động khám nghiệm hiện trường như:
– Thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm;
– Mô tả cụ thể hiện trường bằng cách đo đạc, vẽ sơ đồ, chụp ảnh, dựng mô hình và kết quả thu giữ, xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
– Liệt kê những người tiến hành khám nghiệm, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, những người chứng kiến và người tham gia tố tụng hoặc nhà chuyên môn có mặt.
Biên bản khám nghiệm hiện trường phải có chữ kí của những người tiến hành khám nghiệm, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, những người chứng kiến và người tham gia tố tụng…
4.Biên bản hiện trường có bắt buộc phải lập tại nơi xảy ra vụ án?
Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định.
Bên cạnh đó tại khoản 3 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành:
– Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình;
– Xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án;
– Ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.Sau khi lập xong Biên bản khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét sẽ được ghi vào biên bản, trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, theo quy định nêu trên, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần bảo đảm lập biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại nơi khám nghiệm. Việc lập Biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại nơi xảy ra sự việc nhằm bảo đảm cho hiện trường vụ việc, vụ án cũng như quá trình tiến hành khám nghiệm của cơ quan, người có thẩm quyền được phản ánh một cách khách quan và kịp thời.
Trên đây là những giải đáp về biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My