CÁCH THU THẬP DẤU VÂN TAY, DẤU VẾT TAY

  Trong quá trình điều tra tội phạm, dấu vân tay có vai trò quan trọng trong việc xác định thủ phạm của vụ án hoặc xác định những người có liên quan đến vụ án. Do đó việc thu thập dấu vân tay tại hiện trường vụ án là rất cấp thiết. Vậy các cơ quan điều tra làm cách nào để phát hiện và thu thập dấu vân tay. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1.Phân loại dấu vân tay

– Loại vân hình cung: Đây là loại đường vân tay có dòng đường vân trên và dòng đường vân giữa cong hình cung. Loại vân hình cung chiếm tỷ lệ khoảng 5% trong tổng số đường vân.

– Loại vân hình quai: Đường vân hình quai có đầy đủ ba dòng đường vân: Trên, giữa, dưới. Dòng đường vân giữa có hình dạng như cái quai xách, hình cái vợt… Có khoảng 95% đường vân hình quai có chân quai quay về phía ngón út của bàn tay và 5% còn lại thì chân quai quay về phía ngón cái của bàn tay và thường xuất hiện ở ngón vỏ của hai bàn tay. Loại đường vân này chiếm khoảng 60% trong tổng số đường vân.

– Loại đường vân hình xoáy: Đường vân hình xoáy cũng có đầy đủ ba dòng đường vân: Trên, giữa, dưới. Dòng đường vân giữa có nhiều hình dạng phức tạp như xoáy ốc, xoáy tròn, xoáy bầu dục, đường vân hình chữ s… Loại đường vân này chiếm khoảng 35% tổng số đường vân.

2.Tính chất của dấu vân tay

– Tính riêng biệt: Khoa học đã chứng minh: Đường vân tay của con người không ai giống ai, kể cả trường hợp sinh ra cùng trứng. Ngay ở một người, đường vân ở từng phần khác nhau trong lòng bàn tay nói chung và ở từng đốt ngón tay nói riêng cũng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, có thể coi vân tay của một người chính là “địa chỉ” của người đó.

– Tính ổn định về hình thức: Gen quy định đặc tính riêng của đường vân tay và trong toàn bộ cuộc đời của một người gen không bị thay đổi cho nên vân tay của người đó cũng ổn định, không bị thay đổi về hình thức. 

– Tính phục hồi cao: Khi lớp da ngoài bị tổn thương thì một thời gian sau lớp da trong sẽ ra thay thế lớp da ngoài cả về nội dung lẫn hình thức như số lượng, chiều hướng, hình dạng, vị trí, kích thước và môi tương quan giữa các đường vân.

3.Phương pháp phát hiện dấu vết tay

3.1 Phương pháp lý học

– Dựa vào khả năng bám dính của mồ hôi với một số loại bột, có thể sử dụng một số loại bột sau để phát hiện dấu vết vân tay do mồ hôi để lại: Bột oxit nhôm (Al203); bột oxit đồng một (CuO); bột oxit kẽm (ZnO); bột oxit chì (PbO); bột oxit sắt (Fe205); bột graphit (chì); bột sắt; bồ hóng; bột đồng nhũ; các loại bột phẩm màu; I ốt tinh thể (I2).

– Các loại bột được sử dụng phải khô, mịn và có màu sắc tương phản với màu sắc của vật mang vết. Đối với vết tay để lại dưới một ngày thì có thể sử dụng bất kỳ loại bột nào. Với vết tay để lại trên một ngày, nên sử dụng các loại bột kim loại có trọng lượng lớn như oxit chì, oxit đồng… hoặc các loại bột nhẹ như ôxít nhôm, muội khói, bồ hóng.

– Việc sử dụng các loại bột này để phát hiện dấu vết vân tay phải căn cứ vào đặc điểm của vật mang vết và vị trí của dấu vết trên vật mang vết. Cụ thể:

+ Nếu cần phát hiện dấu vết tay trên giấy thì đổ bột lên mặt giấy, nâng giấy lên và lắc đi lắc lại nhiều lần, khi vết hiện rõ đổ bột thừa ra, búng phía sau mặt giấy cho sạch bột dư thừa. Không được dùng chổi để quét bột trong trường hợp này.

+ Đối với vật mang vết có bề mặt phẳng nằm ngang thì dùng chổi lông chấm bột, gõ nhẹ cho bột rơi xuống nơi nghi có dấu vết rồi dùng chổi lông quét nhẹ bột theo một chiều.

+ Khi vật mang vết có bề mặt phẳng thẳng đứng, dùng bình phun bột vào nơi nghi có dấu vết sau đó dùng chổi lông quét nhẹ theo một chiều hoặc dùng chổi lông chấm bột quét nhẹ trực tiếp vào nơi nghi có dấu vết.

+ Trong trường hợp vật mang vết là kim loại mạ kền, sắt tráng men, sứ, kính… thì có thể sử dụng muội khói của nhựa tổng hợp PVC, nhựa thông, chất xốp bảo vệ máy, cao su… để phát hiện dấu vết tay bằng cách đốt cháy những vật đó cho muội khói bay lên. Sau đó, hứng bề mặt có dấu vết lên đầu ngọn khói. Khi nào khói bám đen, đầy lên dấu vết, dùng chổi lông quét nhẹ một chiều, dấu vết sẽ hiện lên.

+ Khi sử dụng bột oxit sắt (Fe205) để phát hiện dấu vết tay, phải dùng chổi nam châm. Dùng khi dấu vết để lại trên các vật mang vết bằng gỗ, nhựa…

– Phương pháp xông hơi I-ốt được sử dụng để làm hiện rõ các dấu vết vân tay in không màu để lại trên các vật mang vết có đặc tính xốp như giấy, vải, gỗ… Do I-ốt có đặc tính thăng hoa (bay hơi ở thể rắn) ở nhiệt độ bình thường và khi ờ nhiệt độ cao (từ 30°C trở lên) thì khả năng thăng hoa của I ốt càng mạnh. Dựa vào tính chất này của I ốt, có thể sử dụng nó để làm hiện rõ dấu vết tay. Dấu vết tay được phát hiện bằng phương pháp này có màu nâu. Do đặc tính I ốt dễ thăng hoa, vì vậy khi dấu vết hiện rõ phải chụp ảnh ngay. Muốn bảo vệ dấu vết được lâu cần quét lên dấu vết một lớp hồ tinh bột. Chú ý: I ốt là một chất có tính chất oxy hoá mạnh, có thể làm cháy chính bản thân vật mang vết, phá hủy dấu vết, vì vậy không được để vật mang vết tiếp xúc trực tiếp với lót tinh thể.

3.2 Phương pháp hóa học

    Thông thường, một số hoá chất sau đây được sử dụng để làm rõ dấu vết tay:

– Dung dịch AgN03: AgN03 pha với nước cất nồng độ 0,5 – 2% (độc). Nhúng trực tiếp vật mang vết vào dung dịch hoặc dùng que thủy tinh có quấn bông tẩm dung dịch và quét lên chỗ nghi có dấu vết. Sấy khô vật nghi có dấu vết dưới bóng đèn pha, bếp điện, đèn tử ngoại… Sau 1-2 giây dấu vết sẽ hiện lên. Dấu vết có màu nâu sẫm. Phản ứng xảy ra là do AgN03 có tác dụng với NaCl có trong mồ hôi. Dung dịch AgN03 thường được sử dụng để làm hiện rõ các dấu vết để lại trên vật mang vết từ 1 đến 14 ngày.

– Dung dịch Ninhydrin: Phương pháp tiến hành làm rõ dấu vết tương tự như đối với dung dịch AgNO3. Ninhydrin tác dụng với axít amin có trong mồ hôi, phản ứng kéo dài khoảng 24 tiếng, dấu vết hiện lên có màu hồng. Nếu sấy nóng, phản ứng sẽ xảy ra nhanh hơn. Khi đó, dấu vết chuyển thành màu hồng đỏ. Dung dịch Ninhydrin có thể làm hiện rõ dấu vết để lại từ 14 ngày tới nhiều tháng.

– Dung dịch Alôxan: Việc sử dụng dung dịch này được tiến hành như đối với hai dung dịch ưên. Sau 10-12 giờ, dấu vết sẽ hiện lên.

– Dung dịch Benzidin: Benzidin được dùng để làm hiện rõ dấu vết tay có dính máu. Có thể nhúng lớp thuốc gelatin trên tấm mica của giấy pôly vào dung dịch sau đó phơi khô nơi thoáng gió rồi dán lên vị trí có dấu vết. Có thể phun, quét hoặc nhúng vật mang vết tay vào dung dịch. Dấu vết khi hiện lên sẽ có màu xanh đậm.

4.Phương pháp ghi nhận dấu vết vân tay

– Chụp ảnh dấu vết: về nguyên tắc, khi đã làm hiện rõ dấu vết thì trước hết phải chụp ảnh, sau đó mới dùng các phương pháp phù hợp để thu lượm. Mỗi dấu vết cần chụp ít nhất hai kiểu ảnh: Một ảnh chụp dấu vết và vật mang vết; một ảnh chụp đặc tả dấu vết. Việc chụp ảnh dấu vết vân tay phải tiến hành theo nguyên tắc chụp ảnh dấu vết, vật chứng nói chung.

– Mô tả dấu vết: Dấu vết vân tay phát hiện được ương quá trình khám nghiệm hiện trường phải được mô tả vào biên bản của hoạt động này. Trong biên bản, phải mô tả rõ vị trí, chiều hướng của dấu vết, loại hình đường vân, loại vật mang vết. Nếu có nhiều dấu vết trên cùng một vật mang vết thì phải mô tả mối tương quan giữa chúng trên vật mang vết.

– Vẽ dấu vết: Dấu vết vân tay có thể được đánh dấu hoặc vẽ phác họa vào sơ đồ hiện trường.

Trên đây là những giải đáp về cách thu thập dấu vân tay. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *