Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. 

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

II. Thế nào là biện pháp ngăn chặn?

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

-Bản chất: Là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự

– Đối tượng áp dụng: bị can, bị cáo, người truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang).

Mục đích: Ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây cản trở cho công tác điều tra truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

III. Các biện pháp ngăn chặn

Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì có 8 biện pháp ngăn chặn, bao gồm:

      – Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110)

      – Biện pháp bắt người được áp dụng trong các trường hợp bắt người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ (các điều 111, 112, 113)

     – Biện pháp tạm giữ; biện pháp tạm giam (các điều 117, 119).

     – Biện pháp bảo lĩnh (Điều 121)

     – Biện pháp đặt tiền để bảo đảm (Điều 122)

     – Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123)

     – Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124)

IV. Thế nào là hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn là việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án quyết định không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn (Theo điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trước khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 việc trả tự do cho những người bị tạm giữ, tạm giam được gọi là “tạm tha” hoặc “tha” mà không được gọi là “hủy bỏ biện pháp ngăn chặn”.

Kể từ Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thuật ngữ “tạm tha” hoặc “tha” không còn được sử dụng mà thay vào đó, cụm từ “hủy bỏ biện pháp ngăn chặn” được sử dụng.

V. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Theo khoản 1 Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố như sau:

“Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

1.Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

…”

Như vậy, cơ quan nào có quyền hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố là Viện Kiểm sát.

VI. Các trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng đối với người bị buộc tội và không được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác khi có một trong các quy định sau:

    – Quyết định không khởi tố vụ án hình sự: Nghĩa là biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi là giai đoạn tiền khởi tố). Biện pháp ngăn chặn mà người bị áp dụng trong giai đoạn này là có thể là biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đối tượng bị áp dụng phải là người chưa bị khởi tố mà có cơ sở nghi vấn buộc tội, nhưng sau đó khi có quyết định không khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy biện pháp ngăn chặn này.

      – Quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án: Khi vụ án được chấm dứt thì các hoạt động tố tụng khác cũng phải được chấm dứt. Biện pháp ngăn chặn (tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh) nếu đang được áp dụng đối với bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy biện pháp ngăn chặn ngay.

      – Quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can: Nội dung giống như trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án. Nhưng có điểm khác biệt là hoạt động tố tụng đối với bị can được đình chỉ phải chấm dứt, biện pháp ngăn chặn đối với bị can được đình chỉ phải được hủy bỏ ngay. Còn các bị can khác trong vụ án vẫn tiến hành tố tụng và áp dụng biện pháp ngăn chặn.

     – Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ: Thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thuộc về Tòa án và đối tượng áp dụng là bị cáo, người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử nhưng phải được Hội đồng xét xử tuyên bằng bản án là không phạm tội như Viện kiểm sát truy tố, hoặc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thì biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ ngay.

      – Cuối cùng là trường hợp xét thấy không cần thiết. Biện pháp ngăn chặn được áp dụng với mục đích ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây cản trở cho công tác điều tra truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Do đó khi bị can, bị cáo không có hành vi gây nguy hiểm hay tiếp tục phạm tội…thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là không cần thiết do đó phải hủy bỏ ngay.

Có thể thấy pháp luật quy định người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn thuộc trường hợp được hủy bỏ thì phải được hủy bỏ ngay. Đây là một quy định rất hợp lý. Bởi các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng rất lớn đến người bị áp dụng. Họ bị hạn chế một số quyền như là quyền đi lại, quyền tự do…ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, công việc. Do đó biện pháp ngăn chặn cần được hủy bỏ ngay.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 22/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *