BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIỮ HÌNH SỰ ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO? THẨM QUYỀN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP THUỘC VỀ AI?

1. KHÁI NIỆM BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIỮ

  • Tạm giữ có thể hiểu là biện pháp ngăn chặn trong TTHS, do cơ quan và người có thẩm quyền theo pháp luật quyết định, hạn chế quyền tự do thân thể và một số quyền con người khác trong thời hạn nhất định đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án hình sự.

2. ĐỐI TƯỢNG BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIỮ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLTTHS 2015 thì những đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ gồm: 

  • Thứ nhất, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biện pháp tạm giữ đối với trường hợp này chỉ được áp dụng khi có việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp xảy ra trước đó. Việc tạm giữ những đối tượng này nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để khởi tố họ với tư cách bị can trong vụ án hình sự. 
  • Thứ hai, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang. Theo Điều 111 BLTTHS 2015 có thể hiểu bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Đối với những đối tượng này, sau khi bị bắt nhất thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ nhằm ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hay tiêu hủy chứng cứ. 
  • Thứ ba, người phạm tội tự thú, đầu thú. Điểm h và điểm i khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định: “Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”, còn “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”. Tạm giữ áp dụng với những đối tượng này nhằm giúp cơ quan điều tra có thời gian để xác minh tính chất và mức độ hành vi phạm tội. 
  • Thứ tư, người bị bắt theo quyết định truy nã. Người bị bắt theo quyết định truy nã gồm 5 nhóm đối tượng theo Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC. Sau khi bắt đối tượng này, cơ quan có thẩm quyền cần phải hạn chế quyền tự do thân thể của họ nhằm ngăn chặn người đó bỏ trốn hoặc có hành động gây trở ngại cho việc xử lý sau này. 
  • Bên cạnh những đối tượng theo Điều 117 BLTTHS 2015, vẫn còn một đối tượng khác đó là người chưa thành niên. Khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015 quy định: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”“chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”

3. THẨM QUYỀN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIỮ

  • Khoản 2 Điều 117 BLTTHS 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ”. Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ thuộc về người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Cụ thể, chỉ có cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền tạm giữ theo thủ tục TTHS. 
  • BLTTHS 2015 đã bỏ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ của Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển, đồng thời bổ sung thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư với tiêu chí “thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, hải đảo, xa Cơ quan điều tra chuyên trách”. 

 

Trên đây là những nội dung quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong tố tụng hình sự mà WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Bạn có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *