Điều kiện cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng

Các tổ chức tín dụng muốn được cấp giấy phép hoạt động thì phải đáp ứng được các điều kiện luật định. Vậy những điều kiện đó là gì? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp về vấn đề điều kiện cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật tổ các tổ chức tín dụng 2010

II. Thế nào là tổ chức tín dụng?

Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.

Trong đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

– Nhận tiền gửi: là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức:

+ Tiền gửi không kỳ hạn;

+ Tiền gửi có kỳ hạn;

+ Tiền gửi tiết kiệm;

+ Phát hành chứng chỉ tiền gửi;

+ Kỳ phiếu;

+ Tín phiếu;

+ Các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

– Cấp tín dụng: là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc:

+ Có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay;

+ Chiết khấu;

+ Cho thuê tài chính;

+ Bao thanh toán;

+ Bảo lãnh ngân hàng.

– Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, bao gồm:

+ Cung ứng phương tiện thanh toán;

+ Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng;

+ Các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

III. Các loại hình tổ chức tín dụng 

1. Ngân hàng

Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trong đó ngân hàng gồm những loại ngân hàng sau:

– Ngân hàng thương mại: loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu lợi nhuận.

– Ngân hàng chính sách: ngân hàng do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước.

– Ngân hàng hợp tác xã: ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

2. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm:

– Công ty tài chính;

– Công ty cho thuê tài chính, đây là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010;

– Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

3. Tổ chức tài chính vi mô

Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

4. Quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Hợp tác xã 2012 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

IV. Điều kiện cấp Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng 

Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:

– (1) Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

– (2) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;

– (3) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại điều 50 luật các tổ chức tín dụng 2010.

– (4) Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– (5) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài 

Điều kiện để được cấp giấy phép như sau:

-(1) Các điều kiện quy định ở trên 

-(2) Tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

-(3) Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

-(4) Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có hoạt động lành mạnh, đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có, tình hình tài chính, các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

-(5) Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành, hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm các tổ chức này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của Luật này;

-(6) Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.

Có thể thấy tổ chức tín dụng có 100% vốn nước ngoài phải đáp ứng rất nhiều điều kiện so với các tổ chức tín dụng khác. Điều này là phù hợp bởi tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động ngân hàng, đây là hoạt động quan trọng có tác động rất lớn đến thị trường trong nước do đó vì để đảm bảo cho nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia thì cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tổ chức tín dụng có 100% vốn nước ngoài.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài 

– Các điều kiện quy định tại các điểm (1), (2), (3) và (5) ở phần 1 và các điểm (2), (3), (4) và (6) ở phần 2

– Ngân hàng nước ngoài phải có văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm duy trì giá trị thực của vốn được cấp không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của Luật này.

4. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

– Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;

– Quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Trên đây là những giải đáp về điều kiện cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 21/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *