Điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa

 

Trong quá trình đàm phán, kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, đặc biệt là các hợp đồng dài hạn thì việc xảy ra rủi ro (từ thiên nhiên, con người, xã hội …) dẫn đến tranh chấp phát sinh là điều khó tránh khỏi. Do đó điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những điều khoản cần nắm rõ trong thời buổi xã hội có nhiều biến động như hiện nay.

1. Quy định về sự kiện bất khả kháng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015 thì :“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, điều khoản về những trường hợp bất khả kháng được hiểu ngắn gọn là điều khoản về những trường hợp mà khi xảy ra các bên không phải chịu trách nhiệm dù đã có hành vi vi phạm hợp đồng.

Mục đích của điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa nhằm miễn trừ trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ trong các trường hợp xảy ra các điều kiện, sự kiện khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được.

2. Điều kiện để áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Thứ nhất, đây phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan. Sự kiện khách quan trong trường hợp này có thể là các hiện tượng do thiên nhiên gây ra làm cản trở tới việc thực hiên hợp đồng như động đất, bão lụt, núi lửa hoạt động, sóng thần, …; các sự kiện xã hội như bạo động, nổi loạn, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách Chính phủ, phong tỏa, …; các sự kiện xảy ra do các bên thỏa thuận trong hợp đồng như thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ trong việc giao hàng hóa,… lúc này bên vi phạm hợp đồng cần phải chứng minh về sự kiện bất khả kháng đang gặp nhằm miễn trách nhiệm.

Thứ hai, các bên chủ thể hợp đồng không thể nhìn thấy trước hoặc dự đoán trước việc xảy ra sự kiện đó vào thời điểm giao kết hợp đồng, tức là sự kiện này phải xảy ra sau khi kí kết hợp đồng.

Thứ ba, sự việc xảy ra không thể khắc phục được mặc dù các bên chủ thể hợp đồng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Nếu bên có nghĩa vụ có khả năng khắc phục, hạn chế thiệt hại xảy ra mà lại không thực hiện, để mặc cho hậu quả xảy ra thì cho dù có sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng cũng không được miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.

3. Ý nghĩa của điều khoản bất khả kháng

  • Thông thường, các điều khoản bất khả kháng bào chữa cho sự xuất hiện của những điều “ngoài tầm kiểm soát” của các bên. Nhiều hợp đồng bao gồm các điều khoản bất khả kháng để cung cấp cho các tình huống bất ngờ.
  • Điều khoản bất khả kháng thường được coi là điều khoản “ngoại lệ” trong hợp đồng, có nghĩa là các điều khoản này giúp một bên không thực hiện nghĩa vụ.
  • Tòa án thường không ủng hộ các điều khoản như vậy nhưng thường vẫn sẽ thực thi, miễn là không có pháp luật hợp đồng nào bị vi phạm. Mọi người có thể đưa ra các điều kiện trong hợp đồng theo bất kì cách nào họ muốn.

 

Trên đây là những phân tích ngắn gọn về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *