Xử lý vi phạm hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động

Việc người sử dụng lao động vi phạm những hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ biện phạm xử lý người sử dụng lao động vi phạm những hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2.Hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động

Căn cứ vào Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm:

– Phân biệt đối xử trong lao động.

– Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

– Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

– Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

– Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

– Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

3.Biện pháp xử lý

3.1 Phân biệt đối xử trong lao động.

 Hình thức xử lý hành vi phân biệt đối xử trong lao động được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi thực hiện hành vi phân biệt đối xử trong lao động, ngoại trừ các hành vi phân biệt đối xử trong các trường hợp sau đây:

+ Phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình: Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động là bên thuê lại lao động sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

+ Phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi người lao động thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế: Trong trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền tùy mức độ hành vi vi phạm thực hiện với bao nhiêu người lao động căn cứ vào khoản 2 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

+ Phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thông qua một số hành vi quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu vì phân biệt đối xử mà người sử dụng lao động kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được đi làm.

+ Người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng căn cứ vào khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

3.2 Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra của hành vi ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Xử phạt hành chính: Hình thức này được áp dụng đối với các trường hợp có xảy ra ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Căn cứ vào các khoản 3 Điều 8, khoản 4 Điều 11 và khoản 4 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nếu người đó có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động (điểm a khoản 9 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động (điểm a khoản 8 Điều 43 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

+ Phạt tiền từ 75.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép hoặc bóc lột hoặc cưỡng bức lao động (điểm a khoản 7 Điều 44 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép hoặc bóc lột hoặc cưỡng bức lao động (điểm a khoản 6 Điều 45 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Các mức phạt trên được áp dụng cho trường hợp người vi phạm là cá nhân. Trong trường hợp người vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ tăng gấp 02 lần so với mức phạt đã được quy định với cá nhân nêu trên.

– Truy cứu trách nhiệm hình sự: Khi hành vi ngược đãi người lao động đến một mức độ nhất định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể theo Điều 297 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 

3.3 Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tùy vào mức độ của hành vi mà người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý như: kỷ luật sa thải, xử phạt hành chính, xử phạt hình sự.

– Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động bắt buộc phải quy định các nội dung phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời phải đưa trình tự, thủ tục xử lý hành vi này vào nội quy lao động và phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

Theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Ngoài ra, tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định: trường hợp người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước. 

– Xử phạt hành chính:

Những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được xử lý theo phương thức xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP khi hậu quả xảy ra chưa nặng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 11).

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục đối với người lao động là người giúp việc gia đình (khoản 4 Điều 30).

– Xử phạt hình sự: Trong trường hợp có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chứng minh được hành vi quấy rối tình dục ấy đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015.

3.4 Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, khi người sử dụng lao động thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (tại điểm a khoản 2 Điều 14).

3.5 Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

3.6 Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Hình thức xử lý này được áp dụng trong trường hợp có hành vi vi phạm xảy ra nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, khi người vi phạm thực hiện một trong các hành vi nghiêm cấm nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp 02 lần đối với tổ chức (khoản 3 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

3.7 Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Theo Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật sẽ bị xử lý thông qua hình thức xử phạt hành chính, cụ thể:

– Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi người sử dụng lao động sử dụng lao động chưa thành niên nhưng không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019 khi không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

– Người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

+ Sử dụng lao động chưa thành niên nhưng chưa được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó

+ Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản; không bố trí thời giờ làm việc hợp lý làm ảnh hưởng đến thời gian học tập; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi

+ Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động 2019

+ Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

+ Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

– Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019;

+ Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là những giải đáp về các biện pháp xử lý đối với vi phạm hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *