Môt nhà đầu tư có rất nhiều cách thức để có thể hiện thực hoá việc triển khai một dự án đầu tư tại thị trường Việt nam hiện nay. Vậy hình thức đầu tư là gì? Hiện nay pháp luật đầu tư của Việt Nam quy định về hình thức đầu tư như thế nào. Bài viết này của Winlegal sẽ cung cấp thêm thông tin để nhà đầu tư có thể tham khảo một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất.
Mục lục
1. Hình thức đầu tư là gì?
Hình thức đầu tư được hiểu là cách một hoặc nhiều nhà đầu tư lựa chọn một trong các cách thức để tiến hành hoạt đồng đầu tư của mình theo quy định cụ thể của pháp luật về đầu tư.
Trong hệ thống pháp luật hiện hành, các hình thức đầu tư đã và đang ngày càng được cụ thể hoá và hướng dẫn chi tiết trong Luật đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhằm thể hoá thành một khung pháp lý áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
2. Phân loại các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư
Theo quy định tại Điều 21 Luật đầu tư 2020 thì hiện nay có 5 hình thức đầu tư gồm:
2.1 Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Đây là hình thức đầu tư phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư trong nước muốn tham gia thực hiện dự án đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài mặc dù có điều kiện khắt khe hơn tuy nhiên cơ chế hiện nay cũng đã thoáng hơn nhiều để một nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vốn tại thị trường Việt Nam
Theo quy định tại khoản 27 điều 3 Luật đất đai 2013 thì Tổ chức kinh tế bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, thành lập tổ chức kinh tế là việc nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản của mình để thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý độc lập với nhà đầu tư để tiến hành các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.
Đối với nhà đầu tư trong nước: Việc thành lập tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư trong nước khá là dễ dàng theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam để đầu tư thì trước tiên nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề được quy định tại danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường mục 2 chương II Nghị định 31/2021/ND-CP hướng dẫn Luật đầu tư. Khi đáp ứng được điều kiện về ngành, nghề được tiếp cận để đầu tư thì nhà đầu tư sẽ phải có một dự án đầu tư cụ thể sau khi thành lập tổ chức kinh tế ví dụ như: hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở; đầu tư mua bán trang thiết bị; ….trên cơ sở dự án đầu tư của mình nhà đầu tư nước ngoài đó sẽ phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2.2 Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế đã và đang hoạt động. Hình thức này hiện nay cũng khá phổ biến bởi trong sự uy tín của tổ chức kinh tế đã được khẳng định do đó việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp không chỉ tạo thêm uy tín cơ hội cho tổ chức kinh tế đó mà còn tăng thêm niềm tin cho đối tác, nhà đầu tư khi tham gia vào đầu tư hoạt động dự án.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài về ngành, nghề lĩnh vực đầu tư cho phép nhà đầu tư được tiếp cận hoặc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư đó khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại tổ chức kinh tế.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
2.3 Đầu tư theo hình thức thực hiện dự án đầu tư.
Hình thức này hay còn được gọi là đầu tư theo hình thức đối tác công tư gọi tắt là PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Có thể bạn quan tâm: Quy trình đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP
2.4 Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 thì “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Theo đó, bản chất của loại hợp đồng BCC này là không tạo ra một tổ chức kinh tế mới mà bản chất chỉ là sự hợp tác giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh để cùng nhau tạo ra và phân chia lợi nhuận thông qua hợp đồng được các bên ký kết thực hiện dự án.
Trường hợp một nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia ký kết hợp đồng để thực hiện dự án tại Việt Nam thì nhà đầu tư này phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định.
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Mặc dù không nêu rõ hình thức đầu tư như Luật đầu tư 2014 tuy nhiên đây là một điểm mới của Luật đầu tư 2020 thay vì nhà làm luật quy định cứng khung về hình thức đầu tư như trước đây, do vậy, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, sự ra đời của nhiều loại hình, tổ chức kinh tế và nhiều hình thức đầu tư mới mà chưa dự liệu được hết nên đây chính là một nguồn mở để nhà nước ta để khi có một hình thức đầu tư mới không thuộc bất kỳ một trong các hình thức đã được nêu trên, cơ quan nhà nước vẫn có phương hướng để quyết định áp dụng hình thức đầu tư mới tại Việt Nam.
Đây cũng chính là cách để thể hiện Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận những hình thức đầu tư mới mẻ sẽ xuất hiện trong tương lai.
Trên đây, Luật Winlegal vừa giới thiệu với các bạn những hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn. Nếu bạn đang cần giải đáp về các thông tin đầu tư, hình thức đầu tư phù hợp với doanh nghiệp của mình và pháp luật của nhà nước vui lòng liên hệ Hotline của Winlegal 0246.29.33.222 để có thể nhận được những tư vấn đầu tư tốt nhất.