Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) họp thường niên mỗi năm một lần trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài cuộc họp thường niên, ĐHĐCĐ có thể họp bất thường. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều Nghị quyết được ĐHĐCĐ thông qua bị Tòa án hoặc Trọng tài tuyên hủy. Trong bài viết dưới đây, WINLEGAL sẽ chia sẻ với bạn đọc một số lưu ý quan trọng trong quá trình tổ chức họp ĐHĐCĐ để cuộc họp diễn ra thành công và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
- Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
2. Nội dung
2.1 Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp
Việc lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp ĐHĐCĐ được quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 273 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần phải lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ dựa trên sổ đăng ký cổ đông và việc lập này không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp nếu Điều lệ không quy định thời hạn ngắn hơn.
Theo khoản 1 Điều 273 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Công ty đại chúng phải công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ tối thiểu 20 ngày trước ngày đăng ký cuối cùng.
Quyền tham dự họp ĐHĐCĐ là quyền cơ bản của cổ đông. Vì vậy, việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ quá thời hạn trên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dự họp của cổ đông mới tham gia công ty. Đây là một trong những căn cứ để các cổ đông yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ.
2.2 Gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp
Việc gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ được quy định tại Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 10 Thông tư số 96/2020/TT-BTC.
Theo khoản 1 Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020, người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ không quy định thời hạn dài hơn.
Theo điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư số 96/2020/TT-BTC, Công ty đại chúng bên cạnh gửi thông báo mời họp còn phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (trường hợp là tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch) về việc họp ĐHĐCĐ tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc họp ĐHĐCĐ cổ đông nếu Điều lệ không quy định thời hạn dài hơn.
Như vậy, quy định về thời hạn chậm nhất gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ nhằm đảm bảo tất cả các cổ đông có quyền dự họp đều nhận được thư mời và chủ động sắp xếp thời gian tham dự. Quyền tham dự họp ĐHĐCĐ của cổ đông có thể bị ảnh hưởng nếu công ty không tuân thủ thời hạn gửi thông báo trên.
2.3 Điều kiện tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ
Theo Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020, cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ quy định. Nếu không đạt tỷ lệ này, người triệu tập họp phải hủy cuộc họp để gửi thông báo mời họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.
Cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ quy định. Nếu không đạt tỷ lệ này, người triệu tập họp phải hủy cuộc họp để gửi thông báo mời họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai.
Cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ ba được tiến hành mà không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
Như vậy, quy định tỷ lệ và thời hạn cụ thể đối với từng lần gửi thông báo mời họp nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ cổ đông của công ty đều có thể tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ.
2.4 Nội dung Nghị quyết ĐHĐCĐ
Theo khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị quyết ĐHĐCĐ được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Trường hợp Điều lệ không có quy định khác, Nghị quyết về các vấn đề tại khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020 bắt buộc phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty; Định hướng phát triển công ty; Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; Tổ chức lại, giải thể công ty.
Nội dung Nghị quyết ĐHĐCĐ phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn thi hành và Điều lệ công ty. Nội dung Nghị quyết ĐHĐCĐ vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tuyên hủy Nghị quyết khi có yêu cầu theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020.
3. Lời kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về một số lưu ý khi tổ chức họp ĐHĐCĐ tại Công ty cổ phần, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Khách hàng có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin, tư vấn và giải đáp thắc mắc xin liên hệ:
——————————————–
WINLEGAL – TÍN NHIỆM CÙNG THÀNH CÔNG
Hotline: 0976.718.066 / 0976.738.066
Website: https://winlegal.vn/