Căn cứ pháp lý:
Hiện nay, nguyên tắc một vợ một chồng được xem là nguyên tắc hàng đầu trong chế độ hôn nhân gia đình tại Việt Nam. Vậy nên, những hành vi ngoại tình, xâm phạm đến chế độ một vợ, một chồng đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Mục lục
I. Quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Căn cứ theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Theo đó, tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng của người đang có vợ, có chồng với người khác hoặc của người chưa có vợ, chưa có chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ, đã từng bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn, hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
II. Dấu hiệu pháp lý tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thể hiện ở hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
+ Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng.
+ Người chưa có vợ, có chồng là người chưa kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hoặc đã từng kết hôn nhưng đã chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật.
Hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn với người khác là hành vi của người đang có vợ, có chồng mà lại đăng ký kết hôn với người khác (người đã có chồng, có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ) tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người khác (người đã có chồng hoặc có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ).
Hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ là hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng mà tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người biết rõ là đang có chồng hoặc có vợ.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát.
+ Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà còn vi phạm, nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
2. Mặt chủ quan
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể là người đang có vợ, có chồng hoặc chưa có vợ, có chồng.
4. Khách thể của tội phạm
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng xâm phạm đến nguyên tắc một vợ một chồng của chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ đã được Hiến pháp và Luật hôn nhân và gia đình quy định.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương
Ngày xuất bản: 19/12/2023