Thủ tục đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về thủ tục đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Quyết định: 2546/QĐ-BTP Về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp
  • Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Về đăng ký biện pháp bảo đảm

II. Thế nào xử lý tài sản đảm bảo?

Xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bên nhận bảo đảm thực hiện một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác về giao dịch đã quy định nhằm đáp ứng quyền lợi của mình trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm.

III. Các trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo 

Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản dùng để bảo đảm sẽ được xử lý nếu:

– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

– Vi phạm các điều khoản theo thỏa thuận của các bên hoặc luật có quy định.

IV. Thủ tục đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 4 Mục 2 Phần A thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2546/QĐ-BTP năm 2022 có nêu rõ thành phần hồ sơ đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển gồm:

– Hồ sơ đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm bao gồm:

+ Phiếu yêu cầu (01 bản chính);

+ Văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển (01 bản chính);

+ Trường hợp đăng ký thay đổi, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm thì hồ sơ đăng ký là Phiếu yêu cầu (01 bản chính).

– Tùy từng trường hợp thì nộp thêm:

+ Trường hợp thực hiện thông qua người đại diện thì văn bản có nội dung về đại diện là tài liệu phải có trong hồ sơ đăng ký, hồ sơ cung cấp thông tin (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu), trừ trường hợp thực hiện việc đăng ký qua tài khoản đăng ký trực tuyến của người đại diện thì người đại diện phải kê khai thông tin mã số tài khoản của người được đại diện.

Thông tin về biện pháp bảo đảm được đăng ký phải được cập nhật vào tài khoản của người được đại diện, không cập nhật vào tài khoản của người đại diện.

+ Trường hợp chi nhánh của pháp nhân, chi nhánh hoặc phòng giao dịch của pháp nhân là tổ chức tín dụng cần có tài liệu về việc pháp nhân giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện chức năng của pháp nhân (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu)

+ Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm gồm nhiều người thì phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của các chủ thể này, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nội dung về việc một, một số bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm có quyền đại diện cho những người còn lại

2. Trình tự đăng ký 

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 4 Mục 2 Phần A thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2546/QĐ-BTP năm 2022 có nêu rõ thủ tục đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm tàu biển như sau:

– Nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải;

– Trường hợp không có căn cứ từ chối thì Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả.

– Cách thức thực hiện:

+ Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

+ Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;

+ Qua thư điện tử.

– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển

– Phí, lệ phí (nếu có): 30.000 đồng/hồ sơ

3. Thời gian giải quyết

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 4 Mục 2 Phần A thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2546/QĐ-BTP năm 2022 thì: 

– Trong ngày làm việc nhận được hồ sơ hợp lệ; nếu thời điểm nhận hồ sơ sau 15 giờ cùng ngày thì có thể hoàn thành việc đăng ký trong ngày làm việc tiếp theo.

Trường hợp cơ quan đăng ký có lý do chính đáng phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì thời hạn giải quyết hồ sơ không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

– Thời gian không tính vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 99/2022/NĐ-CP bao gồm:

Thời gian xảy ra sự kiện thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, sự cố hệ thống đăng ký trực tuyến, hỏng mạng lưới điện, mạng internet hoặc xảy ra sự kiện bất khả kháng khác theo văn bản hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến cơ quan đăng ký không thể thực hiện được việc đăng ký theo thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề thục tục đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 30/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *