Tịch thu tài sản là gì?
Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”.
Theo đó, tại điểm đ khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, đó có thể là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để sung quỹ nhà nước.
Vậy, khi tài sản bị tịch thu thuộc sở hữu của người bị kết án, tức là tài sản đang được người bị kết án sử dụng hoặc đã được cho người khác vay, mượn, thuê, giữ để sử dụng hoặc đang cầm cố, thế chấp,… nhưng có đủ căn cứ chứng minh rằng thuộc sở hữu của người phạm tội thì tài sản vẫn bị tịch thu. Tài sản bị tịch thu này có thể tồn tại dưới dạng hiện vật hoặc là tiền, kể cả tiền gửi ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc trái phiếu, tín phiếu,…
Pháp luật hình sự quy định về hình phạt tịch thu tài sản nhằm làm cho người phạm tội không còn điều kiện kinh tế để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc nhằm để thu hồi triệt để các khoản thu lợi bất chính mà người phạm tội có được do thực hiện tội phạm. Đồng thời, hình phạt này còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Điều kiện áp dụng hình phạt tịch thu tài sản
Thứ nhất, chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, để xác định về mức độ phạm tội làm căn cứ cho việc áp dụng hình phạt, thì cần dựa theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình
Trường hợp người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng thì không bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản, dù quy định của pháp luật về tội đó có điều khoản về hình phạt này.
Thứ hai, hành vi của người bị kết án xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định. Theo đó, ngoài những tội phạm như tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm tham nhũng, thì trong trường hợp điều luật cụ thể quy định về tội phạm khác mà có hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản thì cũng có thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn quy định về tịch thu tài sản mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương