Mục đích của hình phạt

Mục đích của hình phạt là gì?

Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc cùa cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.

Từ quy định này có thể rút ra hình phạt có những mục đích sau đây:

  • Mục đích phòng ngừa riêng

Điều đó được thể hiện thông qua việc hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Nội dung cơ bản của mục đích này chính là sự tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt, hình phạt trước hết thể hiện sự lên án, xử phạt của nhà nước đối với người phạm tội, nhưng đó không phải là sự lên án, xử phạt đơn thuần mà là biện pháp đặc biệt để răn đe, để giáo dục, cải tạo người bị kết án, ngăn ngừa họ phạm tội lại.

Trong mục đích phòng ngừa riêng, trừng trị và giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mới là hai mục đích song song tồn tại và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể nói rằng, trong mối quan hệ giữa trừng trị và giáo dục của hình phạt thì trừng trị vừa là mục đích vừa là phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng và chủ yếu của hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục, cải tạo họ.

  • Mục đích phòng ngừa chung

Điều này thể hiện trong việc “giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Nội dung cơ bản của mục đích phòng ngừa chung thể hiện ở việc ngăn ngừa người hoặc pháp nhân thương mại khác phạm tội.

Hình phạt được đưa ra khiến cho các cá nhân hoặc pháp nhân thương mại khác thấy trước được hậu quả pháp lý- trách nhiệm hình sự mà tất yếu phải gánh chịu nếu họ thực hiện hành vi vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, khiến họ từ bỏ ý định phạm tội hoặc thận trọng hơn trong cách xử sự để tránh hành vi của mình trở thành hành vi phạm tội. Đối với các thành viên khác trong xã hội, hình phạt có mục đích giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật, động viên, khuyến khích đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Để đạt được mục đích phòng ngừa chung của hình phạt, vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: kinh tế, chính trị, tư tưởng, pháp lí, văn hoá, giáo dục… Trong đó, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân là biện pháp hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Mục đích phòng ngừa chung của hình phạt chỉ đạt kết quả tốt khi quần chúng nhân dân hiểu biết pháp luật, thấy được sự cần thiết của việc tuân thủ pháp luật cũng như ý nghĩa xã hội của hình phạt.

Mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung là hai mặt của thể thống nhất. Chỉ coi trọng mặt này hay mặt kia đều có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc pháp chế khi quyết định hình phạt và làm cho mục đích của hình phạt bị triệt tiêu. Nếu quá coi trọng mặt trừng trị sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nặng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án, làm mất đi những điều kiện thuận lợi để giáo dục họ. Ngược lại, nếu quá coi trọng mặt giáo dục thì cũng có thể sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nhẹ không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, do đó hình phạt đã tuyên không tạo ra được sự tác động cần thiết để răn đe, ngăn ngừa và giáo dục bộ phận công dân hoặc pháp nhân thương mại “không vững vàng” phạm tội, đồng thời làm mất đi lòng tin của nhân dân đối với sự công bằng của pháp luật và uy tín của Nhà nước, không động viên được quần chúng tham gia tích cực phòng ngừa và chống tội phạm.

Bài viết trên đây đã phân tích ngắn gọn mục đích của hình phạt mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *