Phương án bảo hiểm bồi thường cho phi công và hành khách trong vụ rơi máy bay ở Hạ Long

Ngày 5/4/2023 là một ngày tang tóc cho ngành du lịch của Hạ Long Quảng Ninh. Chiếc trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh Vịnh hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16h56 phút, mất liên lạc lúc 17h15 phút.

Sau đó, máy bay trực thăng được xác nhận bị rơi ở vùng biển Quảng Ninh giáp ranh với TP Hải Phòng đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Vào 19 giờ 18 phút, lực lượng tại hiện trường báo cáo đã vớt được 2 thi thể cùng một số mảnh vỡ được cho là của máy bay tại vị trí mép bờ, tọa độ 20051’51.2”N-107001’13.4”E.

Đến 9h30 sáng 6/4, đã tìm thấy thêm 4 trên tổng số 5 nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc này. Hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn cũng được tìm thấy vào trưa ngày 6/4.

Chiều tối 6/4, tại khu vực Hòn Nét, vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, lực lượng người nhái đã rất nỗ lực tìm được thi thể nạn nhân thứ 5 trong vụ máy bay rơi.

Nạn nhân trong vụ việc trên có 5 người gồm: phi công Chu Quang Minh (SN 1964) và 4 hành khách là ông Hồ Tá L. (SN 1964, trú TP.Đà Nẵng); bà Nguyễn Thị H. (SN 1963, trú TP.Đà Nẵng); bà Hồ Thị O. (SN 1962, trú TP.Đà Nẵng); bà Phạm Thị B. (SN 1958, trú TP.Đà Nẵng). Trong đó có 3 người thân cùng từ nạn là vợ chồng ông L bà H trú tại số 422 Tôn Đản phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng và em gái ông L là bà O cùng sống tại TP Đà Nẵng.

Đây là vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng nên cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn này để có kết luận, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Vậy mức bảo hiểm giành cho phi công và những hành khách tử nạn trong chuyến bay trên sẽ được chi trả ra sao?

Hợp đồng cho toàn bộ đội tàu bay và trách nhiệm hàng không của VNH có thời hạn bảo hiểm từ 21/4/2022 đến 20/4/2023. Đơn vị cung cấp các bảo hiểm này là liên doanh gồm Tổng công ty bảo hiểm PVI (nhà bảo hiểm gốc), Bảo Việt và MIC.

Bảo hiểm chi trả cho phi công 200.000 USD còn mức bồi thường với hành khách phụ thuộc vào đàm phán giữa hãng trực thăng và người nhà.

Chương trình bảo hiểm mà VNH mua gồm ba loại: bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của VNH với hành khách và bên thứ ba; bảo hiểm thân tàu bay và bảo hiểm tai nạn cho phi công. Trong đó, bảo hiểm thân tàu bay có phạm vi bảo hiểm là hơn 1,65 triệu USD.

Với phi công, Tổng công ty trực thăng Việt Nam đã mua bảo hiểm tai nạn có mức trách nhiệm 200.000 USD một người.

Bảo hiểm PVI ngày 7/4 đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công 50.000 USD, tương đương 1,18 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.

“Loại bảo hiểm VNH mua cho phi công là bảo hiểm tai nạn con người, có quy định rõ phạm vi và mức chi trả trong hợp đồng với PVI. Do đó, hãng bảo hiểm có cơ sở để tạm ứng và chi trả nhanh chóng dựa trên những điều khoản này”  một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Với hành khách, loại bảo hiểm mà VNH mua có sự khác biệt với bảo hiểm tai nạn cho phi công, được gọi là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng trực thăng với khách hàng.

Có nghĩa là, hãng bảo hiểm là đơn vị gián tiếp bồi thường cho hành khách. Công ty trực thăng VNH có trách nhiệm pháp lý với hành khách theo quy định của Luật hàng không. Còn bảo hiểm PVI là bên đứng ra bảo hiểm cho trách nhiệm đó của VNH.

Theo hợp đồng, VNH đã mua bảo hiểm cho trách nhiệm pháp lý của hãng với giới hạn trách nhiệm cho tổn thất của hành khách và bên thứ ba khác tổng giá trị 30 triệu USD một sự cố. Nhưng một chuyên gia bảo hiểm lưu ý, không nên hiểu 30 triệu USD này sẽ chia đều cho số hành khách của một sự cố mà cần theo quy định của Luật Hàng không.

Theo nghị định 97/2020, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 SDR, tương đương khoảng 4 tỷ đồng tính tại ngày 11/4. SDR – quyền rút vốn đặc biệt – là đơn vị tiền tệ quy ước thường được sử dụng trong một số thỏa thuận về trách nhiệm vật chất của hãng hàng không với khách hàng.

Ngoài ra, VNH cũng có trách nhiệm bồi thường cho người nhà hành khách các chi phí phát sinh như tìm kiếm cứu nạn, chi phí hồi hương… Tuy nhiên, để xác định được con số bồi thường cụ thể, còn phải chờ vào sự thống nhất giữa hãng trực thăng và người nhà hành khách.

Việc thanh toán bồi thường này sẽ căn cứ vào thoả thuận giữa VNH và thân nhân hành khách, dựa trên đánh giá số tiền yêu cầu bồi thường phù hợp với hoàn cảnh gia đình và tập quán quốc tế trong các trường hợp tương tự.

Theo chuyên gia, với loại bảo hiểm trách nhiệm pháp lý này, việc chi trả sẽ mất thời gian hơn do phụ thuộc vào đàm phán giữa doanh nghiệp trực thăng với người nhà hành khách. Sau khi hãng trực thăng và người nhà thống nhất được mức bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện chi trả

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *