Pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật làm việc cũng như có những quy định bảo đảm quyền lợi cho họ. Tuy nhiên quy định của pháp luật vẫn còn một số bất cập về quyền lợi của lao động khuyết tật. Trong phạm vi bài này, Công ty Luật Winlegal sẽ làm rõ những bất cập đó và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Mục lục
1. Những bất cập của quy định pháp luật về lao động khuyết tật
1.1 Chưa có quy định về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi cho lao động khuyết tật
Bộ luật Lao động 2019 không quy định cụ thể về thời gian làm việc đối với LĐKT có nghĩa là thời gian làm việc của lao động khuyết tật sẽ được áp dụng giống với quy định về thời giờ làm việc của lao động bình thường. Mục đích là để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong lao động. Tuy nhiên quy định này là thật sự chưa hợp lý. Bởi dù để được nhận vào làm việc thì người lao động khuyết tật cũng phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe nhưng thực tế sức khỏe của họ vẫn yếu hơn lao động bình thường. Bên cạnh đó do có tâm lý tự ti, e ngại, họ có thể bị làm dụng làm thêm giờ, bị bóc lột sức lao động trong khi họ lại là đối tượng yếu thế hơn so với các lao động bình thường khác.
1.2 Quy định về làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với lao động là người khuyết tật
Pháp luật quy định về cấm sử dụng lao động là lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Đây là một quy định mang tính nhân văn và giúp bảo vệ người lao động khuyết tật. Nhưng cũng chính quy định này có thể làm giảm đi cơ hội làm việc của lao động khuyết tật và tạo ra thách thức đối với người sử dụng lao động. Bởi vì việc tăng ca, thêm giờ để kịp tiến độ sản xuất là việc khó tránh khỏi của doanh nghiệp, do đó người sử dụng lao động sẽ phải đắn đo xem có nên thuê lao động khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hay không và nếu câu trả lời là không thì đồng nghĩa với việc lao động khuyết tật sẽ mất cơ hội việc làm.
1.3 Quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm việc còn chưa hiệu quả
Theo quy định của pháp luật nếu doanh nghiệp có số lượng người lao động khuyết tật chiếm 30% tổng số lao động sẽ nhận được ưu đãi về thuế. Tuy nhiên thực tế rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật vào làm việc đến 30% tổng số lao động nhưng vẫn rất khó nhận được những ưu đãi về thuế bởi lẽ thủ tục để được hưởng ưu đãi rất phức tạp và phải gia hạn thường xuyên lao động khuyết tật mỗi năm. Luật Người khuyết tật không quy định việc ưu đãi việc làm cho người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích, điều này chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng và sử dụng lao động khuyết tật. Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này. Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải bỏ ra một số tiền khá lớn để đảm bảo cho người lao động khuyết tật làm việc. Dẫn đến doanh nghiệp không muốn thuê lao động khuyết tật về làm việc.
1.4 Quy định pháp luật về dạy nghề cho lao động khuyết tật chưa thực sự phù hợp
Vấn đề dạy nghề gắn với tạo việc làm ở đầu ra cho người khuyết tật, tuy nhiên quy định về thời gian dạy nghề còn ngắn chủ yếu là đào tạo sơ cấp và dưới 03 tháng, chưa gắn với nội dung yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy đối với nhiều lao động khuyết tật thì thời gian đào tạo 03 tháng không đủ để thành nghề.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật
Một là, có quy định riêng về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi cho lao động là người khuyết tật. Sửa quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nên đổi từ cấm sang cho phép nhưng có điều kiện về lương, thưởng, chế độ ưu đãi.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm việc để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Cụ thể hóa, chi tiết hóa chính sách ưu đãi đối với người sử dụng lao động khi tuyển dụng lao động khuyết tật như: doanh nghiệp sử dụng dưới 30% lao động là người khuyết tật thì không được hỗ trợ vay vốn; miễn cho doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội đối với người lao động khuyết tật và số tiền thâm hụt đó sẽ được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước; hỗ trợ tiền cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lao động cho người khuyết tật; có sự tách biệt giữa biện pháp khuyến khích với biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật nhằm giảm bớt gánh nặng cho người sử dụng lao động, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới các trung tâm giới thiệu việc làm cho người khuyết tật dưới nhiều hình thức khác nhau như trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm người tìm việc – việc tìm người dành cho người khuyết tật hoặc các câu lạc bộ giới thiệu việc làm…
Ba là, hoàn thiện các quy định pháp luật về đào tạo nghề cho lao động khuyết tật nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề. Cần sửa đổi quy định pháp luật về thời gian đào tạo từ 03 tháng nâng lên 06 tháng hoặc 01 năm tùy theo từng ngành nghề. Xây dựng chương trình học dành riêng cho đối tượng đặc biệt là người khuyết tật, trong đó có cả chương trình dạy ngoại ngữ cho người khuyết tật. Thực hiện nghiên cứu sửa đổi các quy định về các ngành nghề trong chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với thị trường lao động.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm quyền làm việc cho lao động khuyết tật.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức xã hội về quyền làm việc cho lao động khuyết tâth, phổ biến các chính sách nhằm bảo đảm quyền làm việc đến lao động khuyết tật.
Sáu là, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho lao động khuyết tật để tham gia xin việc, tìm việc và làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp.
Bảy là, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức trên các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm và quản lý đối với người khuyết tật.
Trên đây là những bất cập của quy định pháp luật về lao động khuyết tật và một số kiến nghị của chúng tôi. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My