Cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc hình thức trao đổi riêng tư

Khách thể của tội phạm

Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Quyền an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân còn được cụ thể hoá bởi những quy định tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax, các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính.

Thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính bị xâm phạm là thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của công dân ( cá nhân), chứ không phải của Nhà nước và tổ chức. Nếu thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của Nhà nước hoặc tổ chức thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng

Người nước ngoài công tác và sinh sống ở Việt Nam nếu tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam mà bị xâm phạm bị mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín cũng được bảo hộ như công dân Việt Nam.

Như vậy, khách thể của xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân của con người.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác bao gồm các hành vi:

-Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được -Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông.

Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không làm hư hỏng, ảnh hưởng đến hành trình, đường đi của thư tín nhưng lại sao chép, ghi lại nội dung của thông tin trong thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác.

-Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật.

Đây là hành vi bí mật nghe trộm điện thoại của người khác hoặc dùng thiết bị để ghi âm lại cuộc gọi của người khác.

-Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật.

Đây là hoạt động có thể công khai hoặc bí mật lục soát người, chỗ ở, đồ vật để thu giữ thư tín, điện tín,…

-Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác qua mạng xã hội, sử dụng các dạng truyền tin bằng chữ, hình ảnh, âm thanh qua: Facebook, Zalo, Viber,…

Các hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện báo,… nêu trên phải là hành vi trái pháp luật. Khi xác định có phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay không cần phải đối chiếu với các quy định về bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của các cơ quan chức năng chuyên ngành như: Tổng cục bưu điện, Tổng công ty viễn thông…

Tuy không phải là hành vi, nhưng lại là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm này, đó là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện bưu chính và máy tính.

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là  trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hậu quả của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người hoặc gây ra những thiệt hại về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những thiệt hại này có thể tính ra được bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền.

Hậu quả của hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người khác.

Tội phạm hoàn thành khi hậu quả bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín bị xâm phạm, nên chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm, còn các hậu quả khác như gây thiệt hại về vật chất hay tinh thần của nạn nhân không có ý nghĩa định tội danh, chỉ mang ý nghĩa quyết định hình phạt.

Chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên đối với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Người phạm tội cũng phải có đầu đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Trường hợp người phạm tội không có hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chủ thể của tội phạm này theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác bị xâm hại nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm hoặc không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng lại có ý thức bỏ mặc để hậu quả đó xảy ra.

Động cơ của tội phạm này rất đa dạng, có thể vì để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại như bí mật kinh doanh,… nhưng cũng có thể vì lý do cá nhân như tò mò, ghen tuông,…

Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về cấu thành tội xâm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *