Nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của tổ chức tín dụng

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của Tổ chức tín dụng hay không?

I. Cơ sở pháp lý

II. Tổ chức tín dụng là gì?

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.

Trong đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

– Nhận tiền gửi.

Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức:

+ Tiền gửi không kỳ hạn;

+ Tiền gửi có kỳ hạn;

+ Tiền gửi tiết kiệm;

+ Phát hành chứng chỉ tiền gửi;

+ Kỳ phiếu;

+ Tín phiếu;

+ Các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

– Cấp tín dụng.

Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc:

+ Có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay;

+ Chiết khấu;

+ Cho thuê tài chính;

+ Bao thanh toán;

+ Bảo lãnh ngân hàng.

– Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, bao gồm:

+ Cung ứng phương tiện thanh toán;

+ Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng;

+ Các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

III. Nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của tổ chức tín dụng?

Điều 16 Luật các tổ chức tín dụng quy định như sau: 

“Điều 16. Mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

1.Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

2.Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.”

Như vậy theo quy định trên nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tuy nhiên cũng theo quy định trên thì để được phép mua cổ phần của tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Tổng mức sở hữu cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị giới hạn ở một mức nhất định. 

Ngoài ra tổ chức tín dụng muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải đáp ứng các điều kiện luật định mới có thể tiến hành bán cổ phần.

Quy định như trên là hoàn toàn phù hợp. Bởi tổ chức tín dụng có vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là những tổ chức tín dụng lớn. Do đó vì mục đích an ninh quốc gia, nhà nước đã giới hạn, quy định những điều kiện về mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. 

IV. Điều kiện sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư là tổ chức)

1. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dẫn đến sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam trở lên

– Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên. (I)

– Có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật. (II)

– Việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.(III)

– Không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần. (IV)

– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần. (V)

2. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

– Đáp ứng các điều kiện (i), (ii), (iii), (iv) như đối với Tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam trở lên 

– Là ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính. Công ty tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty tài chính Việt Nam. Công ty cho thuê tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty cho thuê tài chính Việt Nam.

– Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên.

– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.

– Có văn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.

– Không sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác tại Việt Nam;

– Cam kết hoặc đã sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng Việt Nam mà tổ chức nước ngoài đề nghị mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

V. Tỷ lệ sở hữu cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức tín dụng Việt Nam

Tỷ lệ sở hữu cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức tín dụng Việt Nam theo Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP như sau:

– Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

– Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP.

– Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

– Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

– Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

– Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP đối với từng trường hợp cụ thể.

– Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.

– Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần, điều kiện sở hữu cổ phần theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề nhà đầu tư nước ngoài có được mua cổ phần của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 03/01/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *