Thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật các tổ chức tín dụng 2010
  • Văn bản hợp nhất 10/VBHN-NHNN năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

II. Thế nào là tổ chức tín dụng?

Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.

Trong đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

– Nhận tiền gửi: là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức:

+ Tiền gửi không kỳ hạn;

+ Tiền gửi có kỳ hạn;

+ Tiền gửi tiết kiệm;

+ Phát hành chứng chỉ tiền gửi;

+ Kỳ phiếu;

+ Tín phiếu;

+ Các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

– Cấp tín dụng: là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc:

+ Có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay;

+ Chiết khấu;

+ Cho thuê tài chính;

+ Bao thanh toán;

+ Bảo lãnh ngân hàng.

– Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, bao gồm:

+ Cung ứng phương tiện thanh toán;

+ Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng;

+ Các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

III. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng

Theo quy định thì Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức tín dụng nếu các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.

IV. Các trường hợp phải thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng

 Theo quy định tại khoản 1 điều 28 luật tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017 thì tổ chức sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động khi thuộc một trong số các trường hợp sau:

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;

Khi những thông tin trong hồ sơ đề nghị là thông tin sai lệch tức là trong thực tế tổ chức tín dụng đó không đáp ứng được các điều kiện để được cấp giấy phép do đó cần phải thu hồi lại giấy phép của tổ chức tín dụng có hành vi gian lận.

– Tổ chức tín dụng bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức pháp lý

Trong những trường hợp này thì tổ chức tín dụng ban đầu được cấp giấy phép hoạt động đã không còn nữa do đó cần phải thu hồi lại giấy phép.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

– Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng trong trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính thu hồi Giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

V. Thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng

1. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể tự nguyện

Bước 1: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện:

(i) Thuê doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản, xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật của năm liền kề trước năm đề nghị giải thể và quý gần nhất trước thời điểm đề nghị giải thể;

(ii) Xây dựng phương án thanh lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

(iii) Lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị giải thể theo quy định gửi Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm định hồ sơ, có văn bản gửi lấy ý kiến hoặc trình Thống đốc có văn bản gửi lấy ý kiến cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị được gửi lấy ý kiến có văn bản tham gia ý kiến gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bước 4:

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn tham gia ý kiến, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp ý kiến, trường hợp xét thấy phương án thanh lý tài sản chứng minh được khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, đảm bảo quyền lợi cho khách nợ, chủ nợ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc:

(i) Có văn bản chấp thuận giải thể, trong đó có nội dung chấp thuận phương án thanh lý tài sản, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập Hội đồng thanh lý, tiến hành thanh lý tài sản theo phương án thanh lý tài sản đã được chấp thuận; thành lập Tổ giám sát thanh lý; hoặc

(ii) Có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo, giải trình các nội dung có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, giải trình của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc theo quy định tại điểm (i) bước này.

+ Trường hợp xét thấy phương án thanh lý tài sản không chứng minh được khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc có văn bản từ chối chấp thuận giải thể, trong đó nêu rõ lý do.

Bước 5: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập Hội đồng thanh lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày văn bản chấp thuận giải thể có hiệu lực thi hành và tiến hành thanh lý tài sản theo quy định.

Bước 6: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt thanh lý, Hội đồng thanh lý có văn bản báo cáo kết quả thanh lý và đề nghị chấm dứt thanh lý gửi Tổ giám sát thanh lý, Ủy ban nhân dân, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bước 7: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng thanh lý, Tổ giám sát thanh lý có văn bản báo cáo kết quả thanh lý và đề nghị chấm dứt thanh lý gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bước 8: Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tổ giám sát thanh lý, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc có quyết định chấm dứt thanh lý, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc có quyết định chấm dứt thanh lý để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản.

Bước 9: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tổ giám sát thanh lý, Thống đốc có quyết định chấm dứt thanh lý, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc có quyết định chấm dứt thanh lý để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản

2. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép

Bước 1: Căn cứ kết luận thanh tra hoặc kết quả hoạt động giám sát ngân hàng có nội dung về việc giải thể, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền về chủ trương giải thể tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thanh lý tài sản; thành lập Hội đồng thanh lý, Tổ giám sát thanh lý.

Bước 2: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thanh lý tài sản theo quy định.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt thanh lý, Hội đồng thanh lý có văn bản báo cáo kết quả thanh lý và đề nghị chấm dứt thanh lý gửi Tổ giám sát thanh lý, Ủy ban nhân dân, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng thanh lý, Tổ giám sát thanh lý có văn bản báo cáo kết quả thanh lý và đề nghị chấm dứt thanh lý gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Bước 5: Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tổ giám sát thanh lý, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc có quyết định chấm dứt thanh lý, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc có quyết định chấm dứt thanh lý để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản.

Bước 6: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tổ giám sát thanh lý, Thống đốc có quyết định chấm dứt thanh lý, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc có quyết định chấm dứt thanh lý để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản.

Trên đây là những giải đáp về thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 21/12/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *