Lập dự án đầu tư là gì? Những yếu tố cần lưu ý?

Lập dự án đầu tư là gì? Những yếu tố cần lưu ý?

Lập dự án đầu tư là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp quản lý,cấp phép đầu tư. Nó là căn cứ để nhà đầu tư triển khai hoạt động đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án. Và đặc biệt quan trọng trong việc thuyết phục chủ đầu tư quyết định đầu tư và tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án.

1. Khái niệm về dự án đầu tư

Dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động, chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.

Xét về mặt nội dung, dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hoá nhằm đạt được các mục tiêu đã định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể trong một thời gian nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định.

Xét trên góc độ quản lý, dự án đầu tư là một công cụ quản lý việc sử dụng vốn, vật tư, lao động để tạo ra các kết quả tài chính, kinh tế, xã hội trong một thời gian dài.

Dự án là một chuỗi các hoạt động liên kết được tạo ra nhằm đạt kết quả nhất định trong phạm vi ngân sách và thời gian xác định.

2. Yêu cầu cần có khi thành lập dự án đầu tư

2.1 Tính khoa học

Khi lập dự án đầu tư, người soạn thảo, lập dự án đầu tư phải có một quá trình nghiên cứu tỷ mỷ, tính toán thận trọng và chính xác từng nội dung dự án, đặc biệt là các nội dung về công nghệ, tài chính, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tức là dựa vào các kỹ thuật phân tích lợi ích – chi phí.(Xem thêm: Tư vấn thuế online miễn phí trên điện thoại cho công dân )

2.2 Tính thực tiễn

Yêu cầu từng nội dung dự án phải được nghiên cứu xác định trên cơ sở phân tích đánh giá đúng mức các điều kiện và hoàn cảnh có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động đầu tư. Có nghĩa là phải phân tích kỹ lưỡng các yếu tố của môi trường vĩ mô và vi mô ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, đến sự cần thiết của dự án

2.3 Tính pháp lý

Khi lập dự án đầu tư, người soạn thảo dự án, lập dự án đầu tư phải dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, tức là phải nghiên cứu đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Địa phương cùng các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động đầu tư.(Xem thêm: Xin cấp lại sổ đỏ bị mất tại đâu? Người dân cần biết những gì? )

2.4 Tính đồng nhất

Dự án đầu tư phải tuân thủ đúng các quy định chung của ngành chức năng về hoạt động đầu tư đó là quy trình lập dự án, các thủ tục, quy định về đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, một dự án đầu tư thành công thì phải có hiệu quả tài chính. Hiệu quả tài chính là tiêu chuẩn tổng quát và cũng là mục tiêu cuối cùng mà nhà đầu tư hướng đến. Đây là mục tiêu mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải quan tâm trước khi quyết định bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên đây chỉ là ý muốn chủ quan của nhà đầu tư, bởi vì dự án đầu tư được thực hiện trong một thời gian dài, trong suốt thời gian đó việc sử dụng vốn của nhà đầu tư không tránh khỏi những tác động của yếu tố môi trường và như thế nhà đầu tư có thể gặp những cơ hội thuận lợi hoặc thách thức phải đương đầu mà trước khi đầu tư họ không lường đến hoặc không biết.(Xem thêm: Dịch vụ tư vấn kế toán là gì? )

3. Các công việc cần làm khi lập dự án đầu tư

Lập một dự án đầu tư chỉ là bước sau cùng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Muốn lập một dự án đầu tư có chất lượng, hiệu qủa thì nhà đầu tư phải tiến hành nhiều công việc, cụ thể:

– Nghiên cứu, đánh giá thị trường đầu tư;

– Xác định thời điểm đầu tư và qui mô đầu tư;

– Lựa chọn hình thức đầu tư;

– Tiến hành các hoạt động khảo sát và lựa chọn địa bàn đầu tư.

Sau khi thực hiện xong các công việc trên thì nhà đầu tư tiến hành lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư được biểu hiện ở hai văn kiện:

Báo cáo tiền khả thi: Báo cáo tiền khả thi là báo cáo cung cấp thông tin một cách tổng quát về dự án. Qua đó chủ đầu tư có thể đánh giá sơ bộ tính khả thi của dự án. Đồng thời lựa chọn phương án đầu tư thích hợp nhất cho dự án. Báo cáo tiền khả thi là căn cứ để xây dựng báo cáo khả thi

Báo cáo khả thi: Tập hợp các số liệu, dữ liệu phân tích, đánh giá, đề xuất chính thức về nội dung của dự án theo phương án đã được chủ đầu tư lựa chọn. Và như đã nói ở trên nó cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và quyết định đầu tư.

4. Nội dung của Báo cáo tiền khả thi

  • Định hướng đầu tư, điều kiện thuận lợi và khó khăn
  • Qui mô dự án và hình thức đầu tư
  • Khu vực và địa điểm đầu tư (dự kiến các nhu cầu sử dụng đất, các vấn đề ảnh hưởng môi trường, xã hội, tái định cư, nhân công …) được phân tích, đánh giá cụ thể.
  • Phân tích, đánh giá sơ bộ về thiết bị, công nghệ, kỹ thuật và điều kiện cung cấp các vật tư, nguyên vật liệu, dịch vụ, hạ tầng cơ sở …
  • Lựa chọn các phương án xây dựng
  • Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vồn,khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ và thu lãi.
  • Có các đánh giá về hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế – xã hội của dự án.
  • Thành phần,cơ cấu của dự án: tổng hợp hay chia nhỏ các hạng mục.
  • Trong trừơng hợp Báo cáo tiền khả thi phải được phê duyệt theo qui định của pháp luật thì sau khi đựơc phê duyệt nhà đầu tư có thể bắt tay vào xây dưng bản báo cáo chi tiết,đầy đủ theo hướng đã lựa chọn trong báo cáo tiền khả thi, đó là Báo cáo khả thi.

5. Nội dung của Báo cáo khả thi

Các căn cứ để xác định sự cần thiết phải đầu tư:

– Mục tiêu đầu tư;

– Địa điểm đầu tư;

– Qui mô dự án;

– Vốn đầu tư;

– Thời gian, tiến độ thực hiện dự án;

– Các giải pháp về kiến trúc, xây dựng, công nghệ, môi trường;

– Phương án sử dụng lao động, quản lý, khai thác dự án;

– Các hình thức quản lí dự án;

– Hiệu quả đầu tư;

– Xác định các mốc thời gian chính thực hiện dự án;

– Tính chất tham gia, mối quan hệ cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Nhìn chung thì nội dung của báo cáo khả thi cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như: Tính hợp pháp, tính hợp l, tính khả thi, tính hiệu quả, tính tối ưu ….

Việc lập báo cáo mang tính chuyên nghiệp rất cao, do vậy một sự chú ý dành cho các chủ đầu tư trong quá trình lập báo cáo nên có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức và các chuyên gia từng tham gia thẩm định các dự án. Đặc biệt, nếu dự án sử dụng nguồn vốn vay nên mời cả người cho vay (tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư …) tham gia ngay từ khâu lập dự án.

Theo các chuyên gia thì muốn có một báo cáo khả thi có chất lượng thì chủ đầu tư phải dành thời gian và chi phí thỏa đáng cho việc khảo sát và lập báo cáo (Theo một nghiên cứu của UNDP thì chi phí lập báo cáo thường chiếm 5% kinh phí dự án, có khi lên tới 15 – 20% đối với các dự án đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp).

Sau khi hoàn thành Báo cáo tiền khả thi và Báo cáo khả thi nhà đầu tư phải trình các báo cáo trên đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm tra đầu tư (với các dự án phải thẩm tra đầu tư). Đồng thời, gửi đến tổ chức cho vay vốn đầu tư (với dự án sử dụng nguồn vốn vay). Như vậy, việc lập xong hai bản báo cáo đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã hoàn thành dự án đầu tư về mặt kế hoạch và cũng kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư chuyển sang giai đoạn làm các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư trên thực tế.

Mọi thông tin tư vấn hỗ trợ về dịch vụ vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1 đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222

Email:  admin@winlegal.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *