Thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh ngân hàng

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về thỏa thuận bảo lãnh và cam kết bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật tổ chức tín dụng 2010
  • Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

II. Thế nào là bảo lãnh ngân hàng?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

III. Thảo thuận cấp bảo lãnh

1. Thế nào là thỏa thuận cấp bảo lãnh?

Thỏa thuận cấp bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh với khách hàng và các bên liên quan khác (nếu có) về việc phát hành bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng.

Lưu ý: Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng.

2. Thảo thuận cấp bảo lãnh phải có những nội dung nào?

Theo quy định tại khoản 2 điều 15 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:

– Các quy định pháp luật áp dụng;

– Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

– Nghĩa vụ được bảo lãnh;

– Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

– Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;

– Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

– Quyền và nghĩa vụ của các bên;

– Phí bảo lãnh;

– Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ, thời hạn hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

– Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận;

– Giải quyết tranh chấp phát sinh.

Như vậy, thỏa thuận cấp bảo lãnh phải đảm bảo có đầy đủ các nội dung trên. Ngoài những nội dung trên các bên có thể thỏa thuận những nội dung khác nhưng không được trái với các quy định của pháp luật.

IV. Cam kết bảo lãnh

1. Cam kết bảo lãnh là gì?

Cam kết bảo lãnh là cam kết do bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành theo một trong các hình thức là thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh.

Lưu ý: Riêng đối với bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chỉ phát hành theo hình thức thư bảo lãnh.

2. Nội dung của cam kết bảo lãnh 

Căn cứ thỏa thuận cấp bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành cam kết bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh với các nội dung sau:

– Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;

– Số hiệu của cam kết bảo lãnh;

– Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

– Ngày phát hành bảo lãnh, ngày bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh và/hoặc trường hợp bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh;

– Ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của bảo lãnh;

– Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

– Nghĩa vụ bảo lãnh;

– Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

– Hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (gồm yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm danh mục chứng từ, tài liệu cần phải cung cấp);

– Cách thức để bên nhận bảo lãnh kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh;

– Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Ngoài những nội dung bắt buộc trên, các bên có thể thỏa thuận những nội dung khác nhưng không được trái với các quy định của pháp luật.

Lưu ý: Đối với các cam kết bảo lãnh phát hành thông qua mạng thông tin liên lạc quốc tế thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo nội dung và quy trình phát hành cam kết bảo lãnh của mạng thông tin liên lạc quốc tế. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy trình giám sát, quản lý hoạt động phát hành bảo lãnh đối với các trường hợp này bảo đảm an toàn, hiệu quả.

V. Thẩm quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh

– Thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh phải được ký bởi người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Việc sử dụng chữ ký điện tử và việc ủy quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật.

VI. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh

-Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ:

+ Thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh hoặc; 

+ Sau thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 23 Thông tư 11/2022/TT-NHNN

– Thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

– Trường hợp ngày hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì ngày hết hiệu lực được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

– Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật liên quan.

Trên đây là những giải đáp về thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 18/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *