Hoạt động thương mại điện tử thực hiện các giao dịch thông qua thương mại điện tử, tức là sẽ phát sinh các khoản thuế. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về các khoản thuế phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử nhé.
1. THUẾ LÀ GÌ?
Theo quan niệm chung, thuế là khoản thu của ngân sách nhà nước, một nghĩa vụ phải thanh toán của các tổ chức, cá nhân bằng tiền hoặc hiện vật, một lần hoặc thường xuyên dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành theo nguyên tắc bắt buộc không bồi hoàn trực tiếp.
2. HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LÀ GÌ?
- Thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hay toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông hoặc các mạng mở khác.
- Hoạt động này không đòi hỏi các chủ thể phải tiến hành trao đổi trực tiếp, đàm phán, ký kết hợp đồng như các giao dịch phi điện tử mà các bên chỉ cần thực hiện giao dịch bằng thao tác đơn giản thông qua các phương tiện điện tử được kết nối internet.
3. CÁC LOẠI THUẾ PHÁT SINH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
3.1. Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp
- Hoạt động thương mại điện tử là hoạt động sinh lời từ việc sản xuất, kinh doanh. Như vậy, thu nhập có được từ hoạt động này là thu nhập chịu thuế.
- Đối với cá nhân kinh doanh trực tuyến, họ là người phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, bởi lẽ thu nhập họ có được là thu nhập chịu thuế.
- Đối với tổ chức thực hiện hoạt động thương mại điện tử, doanh thu của tổ chức là thu nhập chịu thuế nên pháp nhân có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
- Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài có thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải chịu sự điều tiết thuế của Việt Nam. Do đó, cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế phải thực hiện hoạt động đăng ký kê khai thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là tại Cục thuế nơi kinh doanh.
3.2. Thuế giá trị gia tăng
- Thuế giá trị gia tăng là loại thuế thu vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
- Điều 4 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 quy định “người nộp thuế giá trị giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng”. Do đó, cá nhân, tổ chức bán hàng hóa thông qua loại hình thương mại điện tử tại Việt Nam làm phát sinh thuế giá trị gia tăng (người bán làm tăng giá trị hàng hóa trước khi đến tay người tiêu dùng) đều có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng.
3.3. Thuế nhập khẩu
- Loại thuế này phát sinh khi cá nhân, tổ chức kinh doanh trên lĩnh vực thương mại điện tử nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích kinh doanh.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi nhập khẩu hàng hóa mà việc giao dịch, trả tiền, hợp đồng được làm thông qua mạng Internet vẫn phát sinh thuế nhập khẩu và kê khai hải quan với cơ quan hải quan hay cụ thể ở đây là Chi cục hải quan.
3.4. Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Cá nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh trên lĩnh vực thương mại điện tử các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế của loại thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật.
3.5. Thuế bảo vệ môi trường
- Cá nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh trên lĩnh vực thương mại điện tử mà các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường.
Trên đây là nội dung về các loại thuế phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 31/10/2023