Bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật

Hiện trường là nơi chứa đựng rất nhiều dấu vết, vật chứng có vai trò quan trọng, quyết định đến việc có giải quyết được vụ án có tìm ra được hung thủ hay không. Do đó việc bảo vệ hiện trường là rất quan trọng. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ tìm hiểu về bảo vệ hiện trường.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2.Bảo vệ hiện trường là gì?

– Hiện trường là nơi có thông tin, dấu vết của tội phạm hoặc nghi có liên quan đến tội phạm cần tiến hành khám nghiệm.

– Bảo vệ hiện trường là tiến hành các biện pháp bảo đảm sự nguyên vẹn của hiện trường, ngăn ngừa những tác động làm thay đổi tình trạng hiện trường nói chung và các dấu vết có ở hiện trường nói riêng cũng như phát hiện, ghi nhận những thông tin, thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc đã xảy ra. 

Hiện trường có vai trò quan trọng trong việc điều tra vụ án. Tuy nhiên hiện trường lại rất dễ bị thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau tác động. Do đó việc bảo vệ hiện trường là rất cần thiết.

3.Những nguyên nhân làm thay đổi hiện trường

– Nguyên nhân chủ quan

Bằng những hành động cố ý hoặc vô ý của mình, con người có thể tác động lên dấu vết, vật chứng có ở hiện trường và làm cho nó bị thay đổi như do sự tò mò, thiếu hiểu biết của quần chúng; sự hốt hoảng, thiếu bình tĩnh của nạn nhân hoặc thân nhân của họ; việc áp dụng các biện pháp cấp cứu nạn nhân, cứu chữa tài sản; thủ phạm cố ý phá hủy hiện trường để đánh lạc hướng cơ quan điều tra …

– Nguyên nhân khách quan

+ Do súc vật, côn trùng: Sự đi lại, cắn phá, đục khoét… của các loại súc vật, côn trùng cũng có thể làm cho hiện trường bị xáo trộn. Đặc biệt, đối với loại hiện trường có người chết hoặc có nhiều dấu vết sinh vật thì sự tác động của chúng càng thể hiện rõ.

+ Do thiên nhiên: Các yếu tố như mưa, nắng, gió, bão, nhiệt độ và độ ẩm cao… tác động mạnh lên dấu vết, vật chứng làm cho chúng bị thay đổi hoặc phá hủy hoàn toàn. Đối với loại hiện trường ở ngoài trời, sự tác động của các yếu tố này càng lớn.

+ Do sự vận động nội tại bên trong các dấu vết: tác động của các quá trình lý học, hoá học, sinh học diễn ra trong chính nội tại của các dấu vết như oxy hóa, thối rữa, ăn mòn… cũng góp phần làm biến đổi các dấu vết, vật chứng trên hiện trường.

4.Nhiệm vụ của công tác bảo vệ hiện trường

– Cứu chữa người bị nạn, lấy lời khai của họ: Khi phát hiện người bị nạn ở hiện trường phải áp dụng các biện pháp cần thiết để cứu chữa họ, không phân biệt vị trí tố tụng của những người đó sau này là gì. Đối với những người bị thương tích nặng, sau khi sơ cứu, phải đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cứu chữa. Khi thấy có thể, phải tiến hành lấy lời khai của những người này. Câu hỏi đặt ra cho họ phải ngắn gọn, nhằm làm rõ những nội dung cơ bản có liên quan tới vụ việc xảy ra.

– Ngăn chặn những nguy hiểm, thiệt hại đang tiếp diễn, bảo vệ đồ vật quý và hạn chế các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.

– Truy bắt kẻ phạm tội: khi có cơ sở để nhận định thủ phạm đang lẩn trốn trong phạm vi hiện trường hoặc các khu vực xung quanh, cần phải tổ chức lực lượng truy bắt chúng.

– Xác định phạm vi hiện trường cần bảo vệ: Phạm vi hiện trường cần bảo vệ là khoảng không gian đã diễn ra vụ phạm tội hoặc vụ việc mang tính hình sự và lưu giữ những dấu vết, vật chứng có liên quan đến vụ việc đã xảy ra. Phải xác định được chính xác phạm vi đó và kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ dấu vết, vật chứng trên hiện trường. Trong trường hợp chưa xác định được chính xác được phạm vi của hiện trường, cần bảo vệ hiện trường trong phạm vi rộng. 

– Bảo vệ dấu vết, vật chứng: Đối với các dấu vết, vật chứng để lại trên hiện trường, phải sử dụng các phương tiện phù hợp để bảo vệ như thau, chậu, mũ, nón, tấm nilon, phên, ván … Không được để vật che, chắn tiếp xúc trực tiếp với dấu vết. Lực lượng bảo vệ hiện trường không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng. Vì vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết mới được di chuyển dấu vết, vật chứng vào nơi an toàn. Trước khi di chuyển, phải đánh dấu vị trí, trạng thái của chúng trên hiện trường và chú ý không được làm chúng bị biến dạng, hư hỏng, xuất hiện thêm những dấu vết mới.

– Ghi nhận những thay đổi ở hiện trường và tin tức, tài liệu có liên quan đến sự việc xảy ra: Mọi thay đổi ở hiện trường, nội dung, mức độ, nguyên nhân, quá trình diễn biến của nó… đều phải được ghi nhận cụ thể. Ngoài ra, những tin tức, tài liệu có liên quan đến sự việc xảy ra, những tin tức tài liệu để xác định người làm chứng, đối tượng nghi vấn… cũng phải được ghi lại đầy đủ để cung cấp cho cơ quan điều tra khi họ đến khám nghiệm.

– Báo cáo với lực lượng khám nghiệm khi họ đến hiện trường: Khi lực lượng khám nghiệm đến hiện trường để làm nhiệm vụ, người phụ trách công tác bảo vệ hiện trường phải báo cáo với họ về những công việc đã làm, các biện pháp đã được áp dụng và các tin tức, tài liệu có liên quan đến vụ việc đó … Trong giai đoạn này, lực lượng bảo vệ hiện trường vẫn tiếp tục thực hiện những công việc đã trình bày ở phần trên. 

5.Những hành vi bị cấm tại hiện trường

    Để bảo vệ hiện trường thì pháp luật nghiêm cấm những hành vi sau đây:

– Cho những người không có ttách nhiệm ra, vào hiện trường;

– Mang bất cứ đồ vật nào ở hiện trường đi nơi khác hoặc ngược lại;

– Tự ý đi lại và tùy tiện đụng chạm vào những đồ vật có ở hiện trường;

– Hút thuốc ở hiện trường;

– Tiết lộ tin tức, tài liệu về hiện trường;

– Tự ý rời bỏ vị trí khi đang làm nhiệm vụ.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *