Như chúng ta đã biết, việc xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định chi tiết bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, các quy định chi tiết về trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức sẽ giúp đảm bảo sự công bằng và tính minh bạch trong hoạt động.
Mục lục
1. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức được quy định tại Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP). Theo đó, viên chức được chia thành các trường hợp cụ thể theo chức vụ. Cụ thể như sau:
– Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
– Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Trường hợp xử lý bằng hình thức buộc thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cấp có thẩm quyền tuyển dụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền tuyển dụng hoặc được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng.
– Đối với viên chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.
Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật viên chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý viên chức biệt phái.
– Đối với viên chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.
2. Trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức
Trình tự xử lý kỷ luật đối với viên chức gồm 3 bước. Chi tiết được quy định tại Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP) quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức như sau:
– Việc xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện theo các bước sau đây:
(i) Tổ chức họp kiểm điểm;
(ii) Thành lập Hội đồng kỷ luật;
(iii) Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
– Không thực hiện quy định tại điểm (i) đối với trường hợp:
+ Xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;
+ Xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP hoặc đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
– Không thực hiện quy định tại điểm (i) và điểm (ii) đối với trường hợp:
+ Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;
+ Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
+ Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Các trường hợp theo quy định nêu trên được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.
3. Quy định về tổ chức họp kiểm điểm viên chức
– Trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm
+ Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
+ Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp kỷ luật.
Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng viên chức chủ trì cuộc họp.
– Thành phần tham dự cuộc họp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác là đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp là toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành và đại diện lãnh đạo, cấp ủy, công đoàn của đơn vị;
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức không có đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp kiểm điểm là toàn thể viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Trường hợp người bị kiểm điểm là viên chức được cử biệt phái thì ngoài thành phần quy định nêu trên còn phải có đại diện lãnh đạo của cơ quan cử viên chức biệt phái.
– Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
+ Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp, thông báo hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thông báo các nội dung: tóm tắt về quá trình công tác; hành vi vi phạm; các hình thức xử lý đã ban hành (nếu có); thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi vi phạm; thời hiệu và thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trường hợp người có hành vi vi phạm có mặt tại cuộc họp nhưng không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
Trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt ở cuộc họp theo thông báo triệu tập lần thứ 2 thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành;
+ Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu rõ ý kiến về các nội dung quy định tại điểm a khoản này. Tại cuộc họp này không tiến hành biểu quyết, bỏ phiếu;
+ Người chủ trì cuộc họp kết luận.
Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm gửi báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Báo cáo phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:
+ Hành vi vi phạm, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm;
+ Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
+ Trách nhiệm của người có hành vi vi phạm và mức xử lý kỷ luật tương ứng;
+ Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;
+ Kiến nghị về việc xử lý kỷ luật; hình thức kỷ luật (nếu có) và trình tự thực hiện.
(Điều 33 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP))
————————————
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên Viên: Thảo Hương
Ngày xuất bản: 14/06/2024